TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thời gian vàng xử trí đối với  người bị đột quỵ não

Th 4, 03/08/2022 | 10:04 SA

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng tổn thương não cấp tính, xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (gây thiếu máu não) hoặc bị vỡ mạch não (gây xuất huyết não), hay vỡ phình - dị dạng mạch não (gây xuất huyết não thất, xuất huyết dưới nhện).

Ngoài ra, còn có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ). Hậu quả khi có vùng não bị thiếu mạch máu nuôi dưỡng hoặc không được nuôi dưỡng, tế bào não sẽ ngừng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút. Phần nào của não bị chết thì phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được dẫn đến liệt vận động tương ứng như liệt nữa người hoặc liệt một tay, một chân, khó nói hay không nói được, mất ý thức, nặng hơn có thể… Bệnh nhân đột quỵ nếu không được xử trí đúng và tích cực có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề là gánh nặng không chỉ của cá nhân, gia đình mà còn của cả xã hội.

Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não: tăng huyết áp là nguyên nhân chính, chiếm 80% trường hợp; các chứng bệnh về tim như: bệnh van tim, bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), rối loạn nhịp tim, suy tim, dị tật tim, viêm cơ tim; xơ vữa động mạch; dị dạng mạch não như phình động tĩnh mạch não; bệnh đái tháo đường; rối loạn lipid máu; tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Tai biến mạch máu não trước đây chủ yếu gặp ở người già, nhưng hiện nay bệnh đã trẻ hoá, nên cũng hay gặp ở người trẻ. Đa số người trẻ tuổi bị tai biến mạch máu não là do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác…

Theo các bác sĩ chuyên khoa nếu quan sát kỹ người bệnh trong thời điểm sớm có thể phát hiện các dấu hiệu ban đầu cơn đột quỵ: “Thứ nhất, xuất hiện những rối loạn cảm giác hay vận động như người yếu, tay, chân,  tê liệt một bên tay, chân (cầm nắm không chắc, đi không vững) hoặc méo mặt một bên; thứ hai, rối loạn thị lực một cách đột ngột như nhìn mờ, có khi mù hẳn; thứ ba, rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói khó, nói đớ hoặc không nói được; thứ 4, rối loạn tri giác, lẫn lộn, kích thích, vật vã, nặng hơn là hôn mê. Một số trường hợp có triệu chứng kín đáo như rối loạn nhẹ về nhận thức, nhìn, nói không rõ ràng, mất thăng bằng, đi đứng không vững, chứng chóng mặt kéo dài hay những cơn đau đầu dữ dội...”.

Thông thường, khi gặp các biểu hiện trên, nhiều người bị bất ngờ và nhầm tưởng bị trúng gió; có những xử trí theo kinh nghiệm dân gian như: cạo gió, hơ lửa, cho uống nước chanh… Điều này, rất không nên, nếu có trường hợp có liệt vùng hầu họng, bệnh nhân dễ sặc vào đường thở, rất nguy hiểm, và làm chậm trễ thời gian đưa đến bệnh viện.

Đối với người bị tai biến mạch máu não, thời gian là vàng, nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhanh nhất trong ba giờ đầu. Cách xử trí hay nhất là gọi xe cấp cứu (115) hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi di chuyển bệnh nhân, nên để đầu bệnh nhân nghiêng sang một bên (tránh sặc), đầu cao khoảng 30 độ để giảm phù não. Tiếp theo, làm động tác lấy dị vật trong miệng như răng giả, lấy chất nôn trong mũi, miệng bằng tay. Nới rộng quần áo bệnh nhân, theo dõi sắc diện bệnh nhân tỉnh hay mê. Nếu tỉnh trấn an người bệnh, nhắc nhở người bệnh hít sâu thở chậm. Nếu bệnh nhân hôn mê chúng ta hô hấp hỗ trợ (bóp bóng, thở oxy dụng cụ có sẵn trên xe cấp cứu).

Nếu được đến viện trong thời gian vàng (ba giờ đầu), bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội sống và hồi phục tốt hơn, nhất là được dùng thuốc tiêu sợi huyết, hoặc thủ thuật lấy máu đông trong trường hợp nhồi máu não. Khi bệnh nhân bị đột quỵ cứ 1 phút lại có 2 triệu tế bào thần kinh bị mất đi nên rất cần được di chuyển tới cơ sở y tế nhanh nhất có thể. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị./.

MINH HIỀN