TIN TỨC TỔNG HỢP

Xem với cỡ chữ Tương phản

Phòng bệnh tiêu chảy vào mùa hè cho trẻ em

Th 4, 01/06/2022 | 09:28 SA

Hiện nay, trẻ nằm viện điều trị bệnh tiêu chảy tại bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi tăng gấp hai lần so với tuần trước. Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây ra bệnh tiêu chảy.

Bệnh dễ bùng phát và xâm nhập qua đường thức ăn, đồ uống, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh cho con người nhất là đối với trẻ em vì trẻ em sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện nên dễ bị mắc bệnh. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bố mẹ cần chủ động phòng bệnh cho trẻ là quan trọng nhất.

Virus là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy. Rotavirus là nguyên nhân phổ biến, chiếm hơn 50% của tiêu chảy cấp tính ở trẻ em, vi khuẩn là nguyên nhân thường gặp thứ 2 sau tác nhân vius, ký sinh trùng và nấm hiếm gặp ở trẻ. Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường phân - miệng: Phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Thói quen ăn uống không hợp vệ sinh… chưa nấu chín kỹ cũng có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.

Trẻ bị bệnh tiêu chảy được bác sĩ thăm khám tại Bệnh viện Sản nhi

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Linh, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trẻ bị bệnh tiêu chảy đi đại tiện 3 - 4 lần/ngày. Phân lỏng có nhiều nước, nhầy và máu, đôi khi trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao, bị đầy bụng, khó tiêu. Những trường hợp nặng, bé có thể không ăn uống được, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ, mệt mỏi, li bì, không chơi… và có những bé sốt nhẹ, bé thì sốt cao”. 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và mỗi năm trung bình có 2 triệu trẻ em bị tử vong do bệnh này. Đi tiêu chảy nhiều lần làm cho cơ thể mất nước, mất điện giải, thiếu hụt dinh dưỡng, nhiễm khuẩn nặng ngoài đường ruột  như: viêm phổi, nhiễm khuẩn máu, nhiễm trùng đường tiểu, viêm tai giữa, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin và một số nguyên tố vi lượng… làm cho cơ thể trẻ suy kiệt có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy rất dễ xảy ra “vòng xoắn bệnh lý” đó là: trẻ bị tiêu chảy dễ bị suy dinh dưỡng hơn và khi trẻ bị suy dinh dưỡng thì hay bị bệnh tiêu chảy.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Linh, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: “Để phòng bệnh tiêu chảy bố mẹ cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời, có một chế độ dinh dưỡng cho bé đầy đủ, khoa học; bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, kẽm....  Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ như hướng dẫn bé rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; giữ môi trường sống sạch sẽ, trong lành; mỗi nhà đều phải có nhà vệ sinh hợp lý; sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bé ăn chín, uống sôi, lựa chọn những thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Tránh đưa trẻ đến những nơi có dịch tễ, tiêm chủng sởi hoặc nhỏ rota cho bé”.

Khi trẻ bị tiêu chảy rất dễ bị mất nước và điện giải qua phân và chất nôn nên cho trẻ bù nước bằng dung dịch Oresol theo chỉ định của bác sĩ, nếu trẻ không uống được Oresol có thể cho trẻ uống  nước đun sôi để nguội, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường sau mỗi lần đi cầu. Khi trẻ đang tiêu chảy cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn giàu chất dinh dưỡng và mềm, dễ tiêu hóa như: súp gà, súp thịt, … Đối với trẻ còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên, tăng số lần bú cho trẻ. Sau khi khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần để phòng suy dinh dưỡng. Khi trẻ bị tiêu chảy cần theo dõi những dấu hiệu nặng như: trẻ sốt cao, bỏ bú, bỏ ăn, nôn liên tục, đi ngoài nhiều lần, tóe nước, phân có máu, trẻ khát nước, ngủ li bì, khó đánh thức, co giật…  bố mẹ cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời./.

MINH HIỀN