Kinh tế

Xem với cỡ chữ Tương phản

Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025

Th 6, 30/07/2021 | 10:29 SA

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Ngãi, giai đoạn 2021-2025.

Với mục tiêu quyết tâm bứt phá mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh Quảng Ngãi để được xếp vào nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt của cả nước; tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025…

Mục tiêu cụ thể năm 2021 nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “khá”, phấn đấu điểm số PCI đạt trên 64 điểm (có trọng số), nâng vị trí xếp hạng trong tốp 20 - 30/63 tỉnh, thành phố. Luôn tăng cao điểm số và thứ hạng qua các năm, định hướng đến năm 2025, phấn đấu tổng điểm PCI đạt từ 66 điểm (có trọng số) trở lên và thứ hạng nằm trong tốp 10 - 20/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “tốt”; trong đó, điểm số của 10 chỉ số thành phần sẽ tăng so với năm trước đó và phấn đấu: 03/10 chỉ số thành phần nằm trong tốp 10 của cả nước (chỉ số: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng); 07/10 chỉ số thành phần nằm trong tốp 20 của cả nước (chỉ số: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, chi phí không chính thức, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự).

Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2021-2025 bao gồm:

Cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI Quảng Ngãi: Yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện để cải thiện các chỉ tiêu trong từng chỉ số thành phần PCI do đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả cuối cùng của các chỉ tiêu do đơn vị chủ trì. Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị được giao làm đầu mối chỉ số thành phần có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị được giao chủ trì các chỉ tiêu đảm bảo đạt mục tiêu đề ra và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả cuối cùng của các chỉ số thành phần do đơn vị làm đầu mối. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cải thiện 10 chỉ số thành phần trong PCI. 

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Các sở, ban ngành, địa phương cần tập trung bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, cải cách TTHC... Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm TTHC, quy trình giải quyết TTHC không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4.

Đối với vai trò người đứng đầu: Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới thuộc đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Duy trì gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh…

Nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp: Thực hiện công khai, minh bạch và công bố rộng rãi, đầy đủ, kịp thời thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; các cơ chế, chính sách, TTHC, quy trình giải quyết công việc... Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Thực hiện kết hợp thanh tra liên ngành với kế hoạch cụ thể nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, bảo đảm mỗi doanh nghiệp chỉ được thanh tra, kiểm tra 01 lần/năm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Số hóa toàn bộ kết quả giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP. 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính quyền số được hoàn thành và kết nối, chia sẻ. Tối thiểu 80% TTHC đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4. 80% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác; được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền. Hoàn thiện việc xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ngãi, phiên bản 2.0; đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC). 

Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Tiếp tục nâng cao chất lượng hướng dẫn hồ sơ/TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đảm bảo theo đúng quy định; trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Triển khai nhiều cách thức đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm khi thực hiện giải quyết TTHC và các công việc liên quan đến doanh nghiệp và người dân.

Xem chi tiết Kế hoạch: Tại đây.

T.H