TIN TRONG NƯỚC

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đồng chí Lê Đức Thọ, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh

Sat, 09/10/2021 | 16:40 PM

                 Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ

                                      (10/10/1911-10/10/2021)

 

Đồng chí Lê Đức Thọ, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, giàu nhiệt huyết và bản lĩnh cách mạng đã dành tâm sức, tài năng, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và là một trong những nhà lãnh đạo có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sinh ra ở thành phố Nam Định, một vùng đất có truyền thống yêu nước và hiếu học, là trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Nam Định là một trong cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi có phong trào yêu nước và cách mạng phát triển mạnh mẽ.

Tuy tuổi còn trẻ nhưng Lê Đức Thọ đã tham gia bãi khóa, đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Lê Đức Thọ và đứng trong hàng ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khi mới 17 tuổi. Với ý chí và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong đấu tranh chống áp bức của thực dân, phong kiến, đồng chí đã được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng khi mới 18 tuổi, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta.

Tháng 11/1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man, kết án chung thân và đày đi nhà tù Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ chi ủy nhà tù. Năm 1936, sau khi ra tù, đồng chí trở về hoạt động, gây dựng cơ sở bí mật ở Nam Định, tổ chức phát hành sách, báo của Đảng để tuyên truyền, phổ biến Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Đồng chí Lê Đức Thọ

Tháng 9/1939, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm tù. Trong lao tù hà khắc của thực dân, với khí tiết kiên cường của người cộng sản,đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng thông qua tổ chức học tập chính trị, lý luận, động viên, hỗ trợ bạn tù giữ vững tinh thần, ý chí chiến đấu và lòng kiên trung với Đảng và Tổ quốc. Năm 1944, sau khi ra tù, đồng chí được Đảng phân công phụ trách công tác bí mật, an toàn cho An toàn khu của Trung ương.

Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia cùng Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đất nước.

Khi nước nhà mới giành được độc lập, đồng chí được giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng, giúp Trung ương xây dựng, phát triển lực lượng cán bộ Đảng, đoàn thể, củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ; tham gia chỉ đạo công tác bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng, chuẩn bị các điều kiện cho đất nước bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1948, đồng chí được Trung ương cử vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Tại đây, đồng chí đã cùng Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ tập trung xây dựng bộ máy lãnh đạo, củng cố, thành lập mới các ban chuyên môn, mở các lớp bồi dưỡng, cử cán bộ của Xứ ủy trực tiếp về các khu, tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo phong trào, đảm bảo liên hệ thông suốt với Trung ương Đảng và Bác Hồ, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ phát triển, giành nhiều thắng lợi quan trọng, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”.

Cuối năm 1955, được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Bác Hồ, đồng chí đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức nhằm kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền Nam-Bắc.

Là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí luôn yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ thông qua quá trình tổ chức hiện nhiệm vụ được giao; phải thật sự khách quan, công tâm, trung thực, không được lộng hành, cậy quyền thế…

Khi đảm nhiệm làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri, bằng bản lĩnh, tài trí, linh hoạt của một nhà chính trị già dặn, đồng chí đã có những đóng góp lớn vào việc buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi tham gia chỉ đạo cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng Trung ương Đảng, quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước thiết tha của Bác Hồ là: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Là người chiến sĩ cách mạng yêu thơ và làm thơ trong các thời kỳ hoạt động, những sáng tác của đồng chí vừa giàu chất thực tế, có tính thời sự sâu sắc, chứa chan tình cảm cách mạng, vừa là suy nghĩ sâu sắc, chân thành của một nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị, ngoại giao tài năng, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, chính trực.

Lê Đức Thọ thực sự là một trong những người học trò xuất sắc của Bác Hồ; một tấm gương sáng về lòng tận tụy, trung thành với với Đảng, với cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân ta./.

Tuấn Anh