Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

Sun, 31/01/2021 | 09:01 AM

Các cơ quan truyền thông quốc tế liên tục có các bài viết, cập nhật thông tin về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đến với bạn đọc toàn cầu.

1. Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

Với uy tín, vị thế chính trị ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới của Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan thông tấn báo chí trên thế giới.

Những ngày qua, các tờ báo, trang tin lớn trên thế giới đều có những đánh giá khách quan về Đại hội XIII của Đảng, coi đây là sự kiện trọng đại có tầm quan trọng lịch sử, đánh dấu mốc son mới trong sự phát triển của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thế giới tuần qua: Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

Toàn cảnh Đại hội XIII. Ảnh: qdnd.vn. 

Diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2-2021, Đại hội XIII của Đảng sẽ định hình vai trò toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tới, đồng thời sẽ lựa chọn các nhà lãnh đạo mới, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, tư duy và tầm nhìn mới trong việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của kỳ Đại hội này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và củng cố vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế, qua đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Đánh giá cao vai trò quyết liệt của Việt Nam trong việc kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19 và những thành tựu kinh tế của đất nước trong năm vừa qua, các báo coi đây là tiền đề quan trọng để Đại hội XIII của Đảng đề ra những mục tiêu, chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phù hợp trong thời gian tới, trong đó năm 2021 là năm bản lề.

2. Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 26-1, tập trung vào những vấn đề lớn mà hai bên cùng quan tâm.

Theo đó, hai bên đã nhất trí sẽ nhanh chóng hoàn tất việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START vào tháng tới. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi 2 hiệp ước kiểm soát vũ trang quan trọng với Nga và hiệp ước cuối cùng New START cũng đang trên bờ vực sụp đổ.

Thế giới tuần qua: Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ảnh: VOX. 

Khác với những người tiền nhiệm gần đây, ông Biden không hy vọng sẽ “tái thiết” quan hệ Nga-Mỹ mà thay vào đó muốn giải quyết những khác biệt. Với một chương trình nghị sự tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước và những quyết định đang để ngỏ với Iran và Trung Quốc, sự đối đầu trực tiếp với Nga không phải là những điều tân Tổng thống Mỹ tìm kiếm.

Việc duy trì quan hệ với Nga sẽ cho phép ông Biden tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hạn chế mối đe dọa với NATO và đạt được một giải pháp thực sự về vấn đề Ukraine. Dù theo cách nào, Tổng thống Biden gần như sẽ không lao vào một cuộc khủng hoảng mới về chính sách đối ngoại với Nga.

Mặc dù phía Washington và Moscow nhấn mạnh đến những vấn đề khác nhau song cả hai bên đều cho thấy mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ được định hướng rõ ràng, ít nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Những sức ép trong nước trên nhiều phương diện cũng như cuộc đối đầu Mỹ-Trung rõ ràng sẽ khiến ông Biden có một hướng tiếp cận linh hoạt và đa chiều hơn với Nga.

3. Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố chung về Syria

Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - 3 bên bảo trợ cho lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, vừa đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ việc sớm giải quyết cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.

Các quan chức của những nước bảo trợ này cùng đại diện các bên tại Syria và Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen đã nhấn mạnh rằng các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Thế giới tuần qua: Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

Syria hoang tàn bởi cuộc nội chiến kéo dài. Ảnh: Anadolu Agency. 

Ngoài ra, tuyên bố còn đề cao vai trò của Ủy ban Hiến pháp Syria cũng như những đóng góp của Ủy ban này đối với các cuộc đàm phán diễn ra theo khuôn khổ định dạng Astana. Cũng trong tuyên bố chung này, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục việc duy trì các cuộc đàm phán liên quan tới tiến trình hòa bình Astana, bao gồm cuộc họp quan trọng sắp tới dự kiến sẽ tập hợp nhiều bên, diễn ra tại Sochi, Nga, trong ngày 16 và 17-2  tới.

Tuyên bố được đưa ra bên lề vòng đàm phán thứ 5 của Ủy ban Hiến pháp Syria vừa được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Các phái đoàn của chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự của Syria ngày 25-1 đã bắt đầu bước vào vòng đàm phán mới nhằm sửa đổi hiến pháp cho quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá nhiều năm nay.

Vòng đám phán diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Geir Pedersen phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định, nhiều chủ đề đã đưa ra thảo luận trong vòng hơn 1 năm qua và hiện là thời điểm để Ủy ban Hiến pháp Syria đảm bảo rằng những cuộc gặp sẽ được tổ chức tốt hơn và có trọng tâm hơn.

4. Thế giới vượt mốc 100 triệu ca mắc Covid-19

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến sáng 30-1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là trên 102,5 triệu ca, trong đó có hơn 2,2 triệu trường hợp thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 74.066.774 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 26.029.028 ca và 109.365 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Thế giới tuần qua: Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

 Đại dịch Covid-19 vẫn lây lan phức tạp. Ảnh: Euronews.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Nhiều nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 26.394.476 ca nhiễm và 446.330 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 10.720.971 ca nhiễm và 154.047 ca tử vong; Brazil với 9.060.786  ca nhiễm và 221.676 ca tử vong. Đặc biệt, với tổng cộng 155.145 ca tử vong do Covid-19, Mexico đã vượt Ấn Độ trở thành nước có số ca tử vong cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.

5. Nhật Bản thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Ngày 29-1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ nỗ lực thiết lập mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc và Nga.

Phát biểu tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nắm bắt cơ hội để hợp tác với Ấn Độ, Australia và Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Thế giới tuần qua: Truyền thông thế giới đưa tin đậm nét về Đại hội XIII của Đảng

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: Kyodo News. 

Về quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, ông Suga Yoshihide nêu rõ mối quan hệ này đóng vai trò là một trục trong chính sách ngoại giao của Tokyo. Ông khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa liên minh Nhật-Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nhắc lại quyết tâm tổ chức Đại hội Thể thao Olympics và Paralympic Tokyo vào mùa Hè này như là một biểu tượng của hy vọng và lòng quả cảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.

Hiện tại, Nhật Bản đang hứng chịu làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, buộc chính phủ phải áp đặt tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực. Chính phủ Nhật Bản dự định bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 vào cuối tháng 2 tới, làm dấy lên hoài nghi về liệu đại bộ phận dân chúng có kịp tiêm vắc-xin trước khi Olympic diễn ra..

Theo Ngân Anh/QĐND