Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Sun, 29/11/2020 | 08:48 AM

Nhiều nước “rục rịch” kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19, đàm phán thương mại hậu Brexit vẫn bế tắc, các nước Nam Á khôi phục đối thoại hàng hải... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần được dư luận quan tâm.

1. Nhiều nước chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho người dân

Chính phủ Anh đang chuẩn bị việc đánh giá chính thức vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cũng được yêu cầu sẵn sàng phân phối vaccine từ ngày 1-12. Anh đã đặt tổng cộng 40 triệu liều vaccine và trong cuối năm nay có thể nhận được 10 triệu liều, đủ tiêm phòng cho 5 triệu người.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26-11 cho biết Đức có thể tiến hành đợt tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên ngay trước Giáng sinh năm nay, nhưng cảnh báo các biện pháp hạn chế tại Đức sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng.

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Ảnh minh họa. Nguồn: AP News

Trong số những nước ở châu Âu, Đức và Tây Ban Nha là những nước hoàn thiện sớm nhất kế hoạch tiêm vaccine ở quy mô toàn quốc để nhanh chóng chấm dứt đại dịch. Dự kiến, sau khi tiêm cho các nhân viên y tế, Chính phủ Đức sẽ tiêm vaccine cho những người ưu tiên tiếp theo như người già hay người mắc các bệnh kinh niên.

Trong khi đó, tại buổi họp qua video với quân đội Mỹ nhân dịp Lễ Tạ ơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ khởi động tiêm chủng cho các bác sĩ, nhân viên y tế và người cao tuổi trong tuần tới.

Trước những tiến triển đạt được gần đây trong công tác điều chế vaccine ngừa Covid-19, chính phủ các nước Pháp, Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine này từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

2. Đàm phán thương mại EU-Anh vẫn bế tắc

Kịch bản “không thỏa thuận” về thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang đến rất gần trong bối cảnh vòng đàm phán mới nhất vẫn bế tắc và chỉ còn chưa đầy 5 tuần nữa sẽ kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau khi London rời khỏi “ngôi nhà chung”, hay còn gọi là Brexit.

Cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đều bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit, tuy nhiên, tái khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản “không thỏa thuận”.

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Ảnh minh họa. Nguồn: Euro News.

Thủ tướng Anh Boris Johnson từng khẳng định, dù muốn có được một thỏa thuận với EU nhưng chính quyền của ông không chấp nhận đánh đổi các nguyên tắc căn bản của xứ sở sương mù là chủ quyền lãnh thổ, kiểm soát luật pháp, biên giới, tài chính và đánh bắt cá. Trong khi đó, EU luôn nhấn mạnh đến tính thống nhất của thị trường chung châu Âu, vốn được coi là “cánh cửa bảo vệ” cho sự thịnh vượng của lục địa già. 

Vòng đàm phán trực tiếp mới nhất về thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh đã được khởi động ở Brussels từ tuần trước. Tuy nhiên, sự kiện đã phải tạm dừng vì một thành viên trong đoàn đàm phán của EU bị chẩn đoán mắc Covid-19. Sau đó, đàm phán được nối lại dưới hình thức trực tuyến nhưng bất đồng giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. 

3. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Ngày 22-11, Mỹ thông báo đã chính thức rút khỏi Hiệp ước quốc phòng Bầu trời mở-một trong nhiều thỏa thuận quốc tế mà Mỹ đã quyết định rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Máy bay OC-135B của Mỹ trong nhiệm vụ bay thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: USAF

Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nước này không còn là một bên tham gia ký kết Hiệp ước Bầu trời mở kể từ ngày 22-11-2020. Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Nga không tuân thủ các cam kết của hiệp ước này và quyết định ra thông báo rút khỏi hiệp ước trước 6 tháng theo quy định. Trong một phản ứng, Thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cùng ngày cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở khiến thỏa thuận này không thể tồn tại. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow dự định tìm kiếm những bảo đảm chắc chắn từ các quốc gia vẫn tham gia hiệp ước để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hiện có nhiều lo ngại việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ là bước đệm cho thấy nước này tiếp tục sẽ rời khỏi Hiệp ước vũ khí lớn còn lại với Nga: Hiệp ước START mới, dự kiến hết hạn vào tháng 2 tới.

4. Hội nghị G20 thúc đẩy các cam kết hành động tập thể

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận quốc tế.

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoan nghênh cam kết tập thể của các nhà lãnh đạo các nước G20 đối phó với đại dịch Covid-19 và những thách thức về kinh tế do đại dịch gây ra.

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Các đại biểu tham dự Hội nghị G20 qua màn hình trực tuyến. Ảnh: Arab News

Quốc vương Salman bin Abdulaziz của Saudi Arabia, nước chủ trì hội nghị cho biết, hội nghị đã thông qua các chính sách quan trọng nhằm đạt được sự phục hồi toàn diện cho nền kinh tế có khả năng phục hồi, bền vững, bao trùm và cân bằng.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải duy trì vị thế là trụ cột phối hợp toàn cầu để đương đầu với những tình trạng khẩn cấp về y tế. Ông Charles Michel kêu gọi tất cả các nước cũng như các cơ quan và tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt là WHO, đàm phán để nhất trí một hiệp định toàn cầu về đại dịch.

Nhấn mạnh thế giới vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva hối thúc lãnh đạo các nước G20 duy trì chính sách kinh tế vĩ mô đối với các doanh nghiệp và lao động cho đến khi các nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế. Các nước cần chuẩn bị kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng xanh, đồng bộ và số hóa nhằm kích thích tăng trưởng, hạn chế tác động tiêu cực và đạt được những mục tiêu về khí hậu. 

5. Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka khôi phục đối thoại hàng hải

Ba nước láng giềng Nam Á là Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka ngày 27-11 đã tổ chức cuộc đối thoại hàng hải tại thủ đô Colombo của Sri Lanka.

Đối thoại Hàng hải 3 bên Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka 2020 là lần đầu tiên 3 nước tổ chức cuộc họp ở cấp Cố vấn An ninh Quốc gia. Sau 3 lần tổ chức vào các năm 2011, 2013 và 2014, cơ chế đối thoại này bị gián đoạn suốt 6 năm qua và được nối lại trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nhiều biến động.

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Ảnh minh họa. Nguồn: Hindustan Times

Việc Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka khôi phục các cuộc đối thoại về hợp tác hàng hải nhằm đối phó với sự xuất hiện ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Bên lề chuyến thăm Sri Lanka dự đối thoại, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Dovan sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống chủ nhà Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Hai bên sẽ bàn bạc việc ký kết các thỏa thuận quốc phòng song phương.

Hồi tháng 10-2020, trong cuộc họp cấp Ngoại trưởng của nhóm “Bộ Tứ kim cương” (Quad), Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar đã khẳng định Ấn Độ “cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng ưu tiên lúc này là thúc đẩy các lợi ích an ninh và kinh tế của tất cả các nước có lợi ích hợp pháp và sống còn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

6. Cộng đồng quốc tế cam kết tiếp tục hỗ trợ Afghanistan 

Khoảng 12 tỷ USD là số tiền cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ cho Afghanistan trong 4 năm tới với hy vọng những cuộc hòa đàm gần đây giữa chính phủ Afghanistan và Taliban sẽ chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 2 thập kỷ qua.

Đây là kết quả của hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ Afghanistan kéo dài 2 ngày qua ở Geneva, Thụy Sĩ với sự tham dự của các bộ trưởng từ khoảng 70 quốc gia cùng các quan chức thuộc các tổ chức nhân đạo.

Thế giới tuần qua: Trở ngại và hy vọng

Tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn còn bất ổn. Ảnh: AFP

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau hai thập kỷ chiến tranh và dịch Covid-19 hoành hành, song Afghanistan vẫn bị cắt giảm tài trợ với những quy định chặt chẽ hơn. Những điều kiện này nhằm bảo vệ các cuộc đàm phán hòa bình và thúc đẩy Chính phủ Afghanistan cải thiện việc phân bổ nguồn viện trợ. Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế dành cho Afghanistan diễn ra gần đây nhất là vào năm 2016 tại Brussels (Bỉ) với cam kết tài trợ cho quốc gia Nam Á này 15,2 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2020.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo cắt giảm mạnh mẽ lực lượng Mỹ đồn trú tại quốc gia Nam Á này. Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ làm suy yếu an ninh vốn đã mong manh tại nước này cũng như gây tổn hại tới hòa đàm nội bộ giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban nhằm mục đích chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 19 năm qua ở quốc gia Nam Á.

Theo Ngân  Anh/QĐND