Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường

Mon, 25/04/2022 | 07:47 AM

Trong bối cảnh số ca mắc toàn cầu giảm, các nước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường, thế giới tuần qua (17-24/4) cũng chứng kiến một số sự kiện đáng chú ý: Gia tăng căng thẳng giữa Israel và Palestine; Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc ở các nước; WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực kéo dài tới năm 2023; Lạm phát của Nga tăng cao nhất trong 20 năm;…

Số ca mắc toàn cầu giảm, các nước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch

WHO cho biết xu hướng số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu có chiều hướng giảm. Theo WHO, mọi khu vực đều ghi nhận số ca mắc giảm, tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm.

Trước những tín hiệu tích cực của dịch bệnh, nhiều nước đã triển khai các biện pháp nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch. Trong đó có việc dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, nới lỏng việc xuất trình chứng nhận tiêm vaccine, mở cửa hơn nữa biên giới, thậm chí một số nước còn dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi,...

 Các gia đình đưa con cái đến một khu vui chơi ở Lake Buena Vista, Mỹ (Ảnh: AP)

Tuy vậy, các biến thể của virus gây dịch COVID-19 vẫn biến đổi và WHO đang nghiên cứu, theo dõi các biến thể phụ của biến thể Omicron.

 Mới đây nhất, Bộ Y tế New Zealand ngày 23/4 cho biết nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể XE, là kết hợp của hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron.

Các ước tính ban đầu cho thấy XE có khả năng lây nhiễm cao hơn 10% so với BA.2 - được mệnh danh là “Omicron tàng hình”. XE, đã được phát hiện ở Anh, Ấn Độ và Thái Lan, chưa được báo cáo ở khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, bao gồm các đảo quốc Thái Bình Dương, Australia, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các khu vực Đông Nam Á ngoại trừ Thái Lan - quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á của WHO.

Trong khi đó, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 24/4 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 509.044.782 ca, trong đó 6.241.619 ca tử vong và  461.390.623 ca đã được chữa khỏi.

Gia tăng căng thẳng giữa Israel và Palestine

 Căng thẳng giữa Israel và Palestine lại có dấu hiệu leo thang khi các cuộc xung đột giữa hai bên liên tục bùng phát trong tuần qua khiến hàng trăm người thương vong. Cộng đồng quốc tế lo ngại, nếu hai bên không có biện pháp kiềm chế, xung đột có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, làm trầm trọng hơn những bất ổn an ninh trong khu vực Trung Đông.

Đụng độ liên tục xảy ra giữa Palestine và Israel trong tuần qua (Ảnh: AFP) 

Nguyên nhân dẫn tới xung đột là do tháng lễ Ramadan năm nay của tín đồ Hồi giáo (chủ yếu là người Palestine) trùng với dịp lễ quan trọng của người Do Thái (Israel) và lễ Phục sinh của Cơ đốc giáo. Ước tính trong dịp này có hàng vạn tín đồ đổ về thành cổ Jerusalem, địa điểm linh thiêng đối với cả 3 tôn giáo.

Trong động thái mới nhất liên quan đến căng thẳng giữa hai bên, Israel cho biết nước này sẽ đóng cửa cửa khẩu duy nhất với Dải Gaza đối với người lao động vào ngày 24/4 sau khi 3 quả rocket đã được bắn từ vùng lãnh thổ của Palestine này về phía nhà nước Do Thái.

Theo COGAT, đơn vị phụ trách các vấn đề dân sự tại vùng lãnh thổ Palestine thuộc Bộ Quốc phòng Israel, sau khi các quả rocket được bắn từ Dải Gaza về phía Israel trong ngày 22/4, nước này đã quyết định đóng cửa khẩu Erez, không cho phép những người lao động và người buôn bán ở Gaza vào Israel qua cửa khẩu này.

Trong tuần này, Israel đã phải hứng nhiều quả rocket từ phía Dải Gaza, nhưng không gây nhiều thiệt hại. Đây là các vụ bắn rocket mới nhất từ Dải Gaza về phía Israel trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Palestine liên quan đến các cuộc đụng độ tại thành cổ Jerusalem trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

 Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine quanh khu vực đền thờ Al-Aqsa mà người Do Thái gọi là Núi Đền đã khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, chủ yếu là người Palestine. Ngoài ra, rất nhiều người Palestine cũng đã bị cảnh sát Israel bắt giữ. Các vụ việc này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực.

Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc ở các nước

*Ngày 23/4, một quan chức chính quyền địa phương và tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm Vận động Môi trường và Thanh niên (YEAC) cho biết đêm 22/4 đã xảy ra một vụ nổ lớn tại khu lọc dầu trái phép ở bang Rivers của Nigeria, khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Ủy viên phụ trách tài nguyên dầu mỏ của bang Rivers, ông Goodluck Opiah nói: “Hỏa hoạn xảy ra tại một địa điểm khai thác dầu bất hợp pháp, khiến hơn 100 người bị thiêu sống biến dạng”.

 Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm tàu du lịch bị chìm ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Hokkaido ngày 23/4 (Ảnh: NHK)

*Ngày 23/4, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết một tàu du lịch chở 26 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn bị chìm ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Hokkaido.

Theo thông báo, tàu "KAZU I" gặp nạn ở khu vực gần Bán đảo Shiretoko. Các tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã được triển khai đến hiện trường để làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Thông tin ban đầu cho biết trên tàu có 24 hành khách, trong đó có 2 trẻ em, cùng 2 thành viên thủy thủ đoàn.

Vào khoảng 15h ngày 23/4, tàu "KAZU I" đã báo cáo cho công ty quản lý vận hành về việc tàu bị nghiêng 30 độ. Sau đó, tàu bị mất liên lạc. Các ngư dân cho biết vào thời điểm tàu "KAZU I" gặp sự cố, vùng biển này có gió to và sóng lớn. Các tàu đánh cá đã phải trở về cảng trước buổi trưa do thời tiết xấu.

*Ít nhất 1 người đã thiệt mạng và 2 người khác bị thương khi máy bay vận tải Antonov An-26 của Ukraine bị rơi ở miền Nam nước này. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân của vụ tai nạn vào ngày 22/4 là do máy bay bay quá thấp trong bối cảnh trời nhiều sương mù và lao vào đường dây tải điện cao thế.

Vụ việc xảy ra ở khu vực Zaporizhzhia. Máy bay gặp nạn khi đang thực hiện một chuyến bay kỹ thuật từ Zaporizhzhia đến Uzhhorod.

*Ngày 20/4 đã xảy ra hai vụ nổ mỏ than ở mỏ Pniowek, thuộc sở hữu của Công ty JSW, miền Nam Ba Lan làm 5 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Sau những vụ nổ này, tại khu mỏ trên vẫn tiếp tục xảy ra nhiều vụ nổ khác, trong đó có vụ nổ khi lực lượng cứu hộ đang tìm cách lắp đặt ống thông gió vào bên trong mỏ. Hiện vẫn còn 7 thợ mỏ mất tích sau vụ việc.

WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực kéo dài tới năm 2023

Ngày 20/4, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.

Phát biểu họp báo trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB, Chủ tịch Malpass nhấn mạnh xung đột và các hệ quả của vấn đề này đang gây khó khăn cho người nghèo trên toàn thế giới.

 WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực kéo dài tới năm 2023 (Ảnh minh họa: The Chrnonicle)

Giá lương thực hiện tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đang tăng cao hơn so với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là điều đáng lưu tâm do CPI là thước đo mức độ tác động tới người nghèo - đối tượng chủ yếu hằng ngày chi tiêu cho lương thực - thực phẩm.

Theo Chủ tịch WB, tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và phân bón - mặt hàng thiết yếu cho vụ mùa - đang gây ra cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí có thể tiếp diễn sang năm tới.

Vấn đề lương thực hiện nay khá nghiêm trọng, giá cả tăng cao tác động tới người dân tại các quốc gia nghèo, đặc biệt ở những vùng nông thôn khó khăn. Việc thiếu lương thực khiến người nghèo có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng các loại thực phẩm kém dinh dưỡng hơn. 

Tuy vậy, người đứng đầu WB cũng cho rằng kho dự trữ toàn cầu hiện vẫn đủ lớn và có thể giúp cải thiện tình hình khi được phân phối, hỗ trợ cho các quốc gia.

Lạm phát của Nga tăng cao nhất trong 20 năm

Ngày 20/4, Bộ Kinh tế Nga cho biết, lạm phát của nước này đã tăng lên mức 17,62% tính đến ngày 15/4, cao nhất kể từ đầu năm 2002 và tăng so với mức 17,49% một tuần trước đó, do đồng ruble biến động mạnh khiến giá cả tăng vọt trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Moskva.

Các lệnh trừng phạt đã đẩy giá nhiều mặt hàng lên cao hơn, đặc biệt khi đồng ruble đã mất khoảng 40% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm nay, khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.

 Lạm phát của Nga tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt khiến giá cả hàng hóa tại nước này tăng vọt. (Ảnh: EPA) 

Giá cả hầu hết các mặt hàng, từ rau quả, đường cho đến quần áo và điện thoại thông minh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine kể từ ngày 24/2.

Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho thấy, lạm phát tuần ở Nga đã chậm lại sau khi tăng mạnh trong vài tuần qua, khiến Ngân hàng Trung ương Nga có thể cân nhắc việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ban lãnh đạo ngày 29/4 tới đây.

Nga đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng và nguy cơ vỡ nợ bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 10% sẽ là mức giảm mạnh nhất của GDP Nga kể từ năm 1994.

Một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện gần đây cho thấy, kinh tế của Nga sẽ giảm 7,3% trong năm 2022, đồng thời dự báo tỷ lệ lạm phát tăng lên gần 24%, mức cao nhất kể từ năm 1999./.

PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn