Tin Thế giới

Xem với cỡ chữ Tương phản

Thế giới tuần qua: Những gam màu sáng – tối

Mon, 09/05/2022 | 07:30 AM

Tuần qua (2 – 8/5), cộng đồng quốc tế tiếp tục “hồi hộp” theo dõi các diễn biến liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, một mặt với tín hiệu khả quan như Hội đồng Bảo an LHQ thông qua tuyên bố ủng hộ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, song mặt khác là diễn biến căng thẳng như kế hoạch EU cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga,… bên cạnh đó là những tin tức đáng chú ý khi OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ hay thông tin về các vụ phóng vật thể không xác định của Triều Tiên hoặc quyết định tăng lãi suất của FED...

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Ukraine

  Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: UN)

10 tuần sau khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/5 đã thông qua một tuyên bố, trong đó tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay.

Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an nêu rõ Hội đồng Bảo an “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine”. Hội đồng nhắc lại rằng “tất cả các quốc gia thành viên đã thực hiện, theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc, nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình”. “Hội đồng ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Tổng thư ký nhằm đạt được một giải pháp hòa bình” và yêu cầu ông “thông báo kịp thời sau khi thông qua tuyên bố này”.

Đây là tuyên bố đầu tiên thể hiện sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an trong vấn đề Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, người đứng đầu Liên hợp quốc đã phát biểu nêu rõ “lần đầu tiên Hội đồng Bảo an lên tiếng với một tiếng nói vì hòa bình ở Ukraine”.

Tuyên bố trước báo giới, Tổng thư ký António Guterres cho biết: “Như tôi vẫn thường nói, thế giới phải cùng nhau im tiếng súng và giữ vững các giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc. Tôi hoan nghênh sự hỗ trợ này và sẽ tiếp tục không tiếc công sức để cứu lấy các sự sống, giảm bớt đau khổ và tìm ra con đường dẫn đến hòa bình”.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào ngày 24/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bị chia rẽ sâu sắc, trong khi Nga là thành viên thường trực của Hội đồng và có quyền phủ quyết ở đó.

OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ

 OPEC+ đã nhất trí chỉ tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí chỉ tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn tại hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 28 diễn ra ở Vienna (Áo) ngày 5/5.

Bất chấp lời kêu gọi từ các nước phương Tây về việc tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu, các nước thành viên OPEC+ đã nhất trí chỉ tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong vào tháng 6 tới, phù hợp với mục tiêu hiện tại là nới lỏng các chính sách hạn chế sản lượng được thực hiện vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nhu cầu năng lượng.

Trong tuyên bố chung, OPEC+ cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng sản lượng đã cho thấy một thị trường cân bằng. Theo OPEC+, sự biến động hiện tại của thị trường “vàng đen” không phải do các nguyên tắc cơ bản bị xáo trộn, mà là do những diễn biến địa chính trị và đại dịch vẫn đang diễn ra.

Cuộc họp OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu tăng cao lên tới 139 USD/thùng vào tháng 3 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Kể từ tháng 7/2021, OPEC+ đã quyết định từ từ tăng sản lượng dầu sau khi cắt giảm khoảng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2020 để hỗ trợ đà phụ hồi kinh tế toàn cầu sau cú sốc của đại dịch COVID-19. Kể từ đó OPEC+ đã bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng bất chấp lời kêu gọi từ những nước tiêu thụ dầu chủ chốt về việc tăng cường hơn nữa nguồn cung để kiềm chế giá dầu tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu phục hồi và căng thẳng địa chính trị leo thang.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu vì giá năng lượng cao đã góp phần làm tăng lạm phát trên toàn thế giới, đe dọa làm chệch hướng sự phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Sanusi Barkindo ngày 5/5 cũng nhắc lại lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo toàn cầu về duy trì chủ nghĩa đa phương để đảm bảo dòng năng lượng "không bị cản trở, ổn định và an toàn" cho thị trường toàn cầu.

EU có thể cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga trong 9 tháng tới

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Yegor Aleyev/TASS)

Ngày 6/5, báo Il Messaggero của Italia dẫn tin từ Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết EU sẽ cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga trong vòng 9 tháng tới.

Theo đánh giá của ông Gentiloni thì việc cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga sẽ ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga sẽ chịu tác động nặng nề hơn. Quan chức EU thừa nhận, việc quyết định không can dự trực tiếp vào xung đột quân sự trong khi duy trì hỗ trợ cho Ukraine thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt “luôn đi kèm theo cái giá phải trả về mặt kinh tế”.

Tuyên bố mới nhất được coi là một động thái cho thấy EU đang muốn đẩy nhanh các biện pháp gây sức ép lên Moscow. Cách đây ít hôm ông Gentoloni cho biết, EU sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và hướng tới việc loại bỏ nguồn cung này vào năm 2027.

Trước đó, ngày 3/5, EU đã đưa ra một bản dự thảo kế hoạch cho các nước thành viên về gói trừng phạt mới, cụ thể là cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Nga nhằm gia tăng sức ép lên Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Để có hiệu lực, kế hoạch cần nhận được sự nhất trí của toàn bộ 27 nước thành viên. Tuy nhiên, các nước thành viên EU đang chia rẽ trước ý tưởng này. Trong khi một số nước tỏ ý không hưởng ứng và đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga thì một số nước khác lại cho rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt vào thời điểm này đã là quá muộn.

Cũng trong ngày 6/5, các diện ngoại giao của EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về gói trừng phạt Nga.

Hiện việc đi đến sự đồng thuận chung trong khối liên quan tới vấn đề cấm vận dầu mỏ của Nga vẫn là điều gai góc nhất và phụ thuộc phần lớn vào hai nước là Hungary và Slovakia. Mới đây, hai nước thành viên EU đã từng tuyên bố sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt năng lượng chống lại Nga vì nền kinh tế của họ quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga trong khi chưa thể đưa ra giải pháp thay thế.

FED tăng lãi suất cao nhất trong 2 thập kỷ

Chủ tịch FED Jerome Powell cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để hạ nhiệt lạm phát "một cách nhanh chóng". (Ảnh: Shutterstock.com) 

Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng phạm vi lãi suất cơ bản thêm 0,5%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2020 nhằm đối phó với tình hình lạm phát đang gia tăng.

Trước đó, FED đã tăng lãi suất thêm 0,25% từ mức 0 – 0,25% lên 0,25 – 0,5% vào tháng 3 vừa qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% – 1%.

Mỹ hiện đang phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu cùng một số hàng hóa gia tăng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Những yếu tố này làm gia tăng quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào đợt suy thoái.

Sau gần một năm duy trì mức lãi suất cơ bản gần bằng 0 do đại dịch COVID-19, đây đã là lần thứ hai trong năm FED nâng lãi suất, với hy vọng điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát bằng cách giảm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 6,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022, trong khi FED đặt mục tiêu lạm phát hàng năm ở ngưỡng 2%.

Đại dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã buộc FED phải hạ lãi suất xuống gần 0%, đồng thời thực hiện chương trình mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái. Bên cạnh khối tài sản cao kỷ lục 9.000 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, Mỹ còn bơm khoảng 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các gói kích thích.

Ngày 28/4 vừa qua, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 đã giảm 1,4%. Đây là lần sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu tiên của nước này kể từ năm 2020.

Triều Tiên phóng vật thể không xác định, Hàn Quốc họp an ninh khẩn cấp

 Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap) 

Chỉ ít ngày trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống mới của Hàn Quốc - ông Yoon Suk-yeol - dự kiến vào ngày 10/5 tới, Triều Tiên đã liên tục thực hiện các vụ phóng vật thể không xác định.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân sự của nước này cho biết: Vào trưa 4/5, Triều Tiên đã phóng một vật thể dường như là tên lửa đạn đạo về vùng biển phía Đông nước này. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết vụ phóng vật thể của Triều Tiên được thực hiện tại sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 12 giờ 03 phút trưa 4/5.

Không lâu sau đó, sáng 7/5, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một vật thể không xác định về vùng biển phía Đông của nước này. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tiếp tục cho biết Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc đánh giá vật thể bay được Triều Tiên phóng ngày 7/5 đã đạt độ cao tối đa khoảng 60km và bay xa khoảng 600km. Theo JCS, đây là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng đi từ tàu ngầm vào khoảng 2h07 chiều (giờ địa phương - tức 12h07 cùng ngày giờ Việt Nam), với địa điểm phóng là vùng biển ngoài khơi thành phố duyên hải Sinpo, miền Đông Triều Tiên.

Cơ quan tình báo của cả Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành phân tích những chi tiết liên quan vụ phóng mới nhất này. Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc đang theo sát các diễn biến, nhằm chuẩn bị cho khả năng Triều Tiên tiến hành vụ phóng tiếp theo.

JCS nhấn mạnh việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng là một hành động đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và trong cộng đồng quốc tế nói chung. Theo đó, phía Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên lập tức chấm dứt những hành động tương tự.

Trong một phát biểu ngày 7/5, Cố vấn An ninh quốc gia của chính quyền kế nhiệm Hàn Quốc Kim Sung-han cho biết chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ đánh giá lại mối đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên ngay khi nhậm chức và đưa ra các biện pháp đối phó cơ bản./.

PV (Tổng hợp)/dangcongsan.vn