TÀI LIỆU TỌA ĐÀM

Xem với cỡ chữ Tương phản

Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh

Mon, 03/02/2020 | 14:33 PM

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN QUẢNG NGÃI

QUYẾT TÂM XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG GIÀU MẠNH (*)

---

Cách đây 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin, với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ tóm tắt về cách mạng Việt Nam, để lãnh đạo con đường cách mạng mang tầm cao chính trị, phản ánh sự phát triển của thời đại, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. 

Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua gian nan, thử thách, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Tiến hành thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội. Nhất là, sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo sau hơn 30 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử: Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, kinh tế - xã hội có sự thay đổi cơ bản và toàn diện; từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu nay đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Kỷ niệm 90 năm, chúng ta càng tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành vô hạn với giai cấp và dân tộc, kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn thách thức, sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên. Đúng như lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”.

Đồng chí Trần Văn Dư, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm

Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi cùng với cả nước đã có nhiều công lao đóng góp quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta trong 90 năm qua. Từng là vùng đất nổi tiếng, Quảng Ngãi đã có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống yêu nước và văn hóa. Con người Quảng Ngãi có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, thông minh, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất. Truyền thống luôn là tài sản vô giá của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi, là hành trang, là nguồn động lực to lớn giúp Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi vượt qua mọi mưa bom bão đạn, mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ quê hương, xây dựng và phát triển Quảng Ngãi ngày càng giàu mạnh.

Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi luôn tự hào với truyền thống anh hùng cách mạng của địa phương, đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 600 năm hình thành và phát triển. Để chống chọi lại với thiên tai và địch họa, nên từ xa xưa đã hình thành nên các truyền thống rất tốt đẹp của nhân dân Quảng Ngãi, đó là: Truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động; truyền thống nhân nghĩa, hiếu học. Trong đó, tiểu biểu nhất là truyền thống yêu nước cách mạng, đoàn kết chống ngoại xâm.

Quảng Ngãi được xem là mảnh đất có thế “Tọa sơn hướng thủy”, lưng tựa dãy Trường Sơn, mặt hướng ra Biển Đông. Vì vậy, nơi đây cũng là mảnh đất “Địa linh, nhân kiệt” với nhiều cảnh quan sơn thủy hữu tình, sản vật độc đáo, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt. Dưới sự cai trị hà khắc của các triều đại phong kiến bạc nhược, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi đã nổ ra. Cuối thể kỷ XVII, nhân dân miền núi Quảng Ngãi đã nổi lên đấu tranh, tiêu biểu là sự kiện Đá Vách của đồng bào dân tộc ít người Quảng Ngãi. Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của những bộ tướng nghĩa quân quê ở Quảng Ngãi như Trần Quang Diệu, Trương Đăng Đồ, Huỳnh Văn Thuận, .... và những nữ tướng như Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung, nhân dân Quảng Ngãi đã đứng lên khởi nghĩa, tích cực tham gia, ủng hộ của cải vật chất, sức người, sức của cho nghĩa quân Tây Sơn, góp phần cùng với nghĩa quân Tây Sơn đã chiếm được phủ Quảng Nghĩa năm 1773 và xây dựng Quảng Ngãi thành căn cứ “Tây Sơn tả đạo”[1] trở thành hậu phương vững chắc, là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc khởi nghĩa.

Dưới thời Pháp thuộc, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, với sự lãnh đạo của thủ lĩnh Nghĩa Hội chống Pháp ở Quảng Ngãi như: cử nhân Lê Trung Đình, tú tài Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, nhân dân Quảng Ngãi đã đứng lên đấu tranh chống Pháp sôi nổi.  Đặc biệt, Trương Định người con của quê hương Quảng Ngãi theo bố vào Nam từ nhỏ, đã lãnh đạo nhân dân Nam kỳ lục tỉnh đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp, được nhân dân suy tôn là “Bình Tây đại nguyên soái”. Sau sự thất bại của phong trào Cần Vương, nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục tham gia phong trào Duy Tân do ông Lê Đình Cẩn lãnh đạo. Tiêu biểu tham cuộc đấu tranh  “chống thuế, cự sưu” năm 1908, gây tiếng vang lớn.

Quảng Ngãi là địa phương có phong trào cách mạng từ rất sớm, cũng là nơi có chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập từ tháng 3 năm 1930. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền giai đoạn 1930 – 1945, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã phát huy truyền thống Anh hùng làm nên các thắng lợi tiêu biểu. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng bộ Quảng Ngãi đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh chia lửa, hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình đấu tranh của 5.000 nông dân huyện Đức Phổ đánh chiếm huyện đường vào ngày 8/10/1930 được Trung ương Đảng đánh giá là địa phương có phong trào mạnh nhất ở Nam Trung Kỳ. Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 (sau khởi nghĩa thành công, Đội Du kích Ba Tơ ra đời) trở thành lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; là đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân ở Nam Trung Bộ và là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của Đảng và dân tộc, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Quảng Ngãi và là một điển hình sinh động về việc vận dụng đường lối đúng đắn của Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên đập tan toàn bộ ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai giành lấy chính quyền về tay nhân dân ngày 16/8/1945. Đây là một trong những cuộc tổng khởi nghĩa ở địa phương diễn ra và giành thắng lợi sớm nhất trong cả nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quảng Ngãi là nơi đóng cơ quan của Liên khu ủy khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ từ năm 1947 đến năm 1954. Tại đây còn là nơi hình thành Trường trung học bình dân Nam Trung bộ để đào tạo cán bộ cho khu vực Liên khu V và cả nước; Xưởng sản xuất vũ khí cung cấp cho khu vực…; là nơi các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã từng sống và công tác như: Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, ... Đồng thời, Quảng Ngãi còn là nơi có nhiều đóng góp to lớn về nhân tài, vật lực chi viện cho các chiến trường Quảng Nam, Bình Định, Tây Nguyên, Hạ Lào và đông Bắc Campuchia. Trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), Tỉnh uỷ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc anh em làm nên cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây  Quảng Ngãi (28/8/1959) vang dội. Thắng lợi của khởi nghĩa Trà Bồng và các huyện miền Tây Quảng Ngãi đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, là sự mở đầu của thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ ách thống trị tàn bạo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, vì mục tiêu độc lập cho dân tộc và thống nhất cho Tổ quốc. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi góp phần thúc đẩy cao trào khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận của nhân dân miền Nam trong những năm 1959 – 1960. Chiến thắng Ba Gia lịch sử (31/5/1965) trực tiếp đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy ở Quảng Ngãi; là một trong những đòn quyết định cùng với các chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài,v,v…. góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam. Chiến thắng Vạn Tường (18/8/1965), giáng một đòn phủ đầu vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ”. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, Tỉnh uỷ đã kịp thời chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đánh thắng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tập trung trí lực, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và phát triển kinh tế - xã hội; từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm tòi mô hình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia chiến đấu giữ vững biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế giúp bạn Campuchia thoát khỏi vụ diệt chủng Khmer Đỏ.

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều thành tựu, tạo cơ sở vật chất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh. Đặc biệt sau hơn 30 năm tái lập tỉnh (1989 - nay) đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trải qua các kỳ đại hội, nhất là Đại hội lần thứ XIX, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện; trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 55,68%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16,52% và dịch vụ chiếm 27,8%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,… trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển. GRDP bình quân đầu người tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 ước đạt 2.710 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa: công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 53,44%; dịch vụ 30,34%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 16,22%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, vị thế  của tỉnh ngày càng được nâng cao, tạo thế và lực mới để đẩy mạnh phát triển và hội nhập. Chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đến năm 2019, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,79%, trong đó, miền núi giảm còn 25,96% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020). Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tự hào là vùng đất giàu lòng yêu nước, có tinh thần đấu tranh quật cường, người dân Quảng Ngãi còn là một biểu tượng và hình ảnh đẹp về truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất. Bằng đôi tay khéo léo, sự cần cù, tỷ mĩ người dân Quảng Ngãi đã làm nên những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao như: Nghề đúc đồng, nghề mộc, nghề dệt vải, dệt tơ lụa. Đặc biệt, nhân dân đã tận dụng dòng nước sông Trà Khúc làm các bờ xe nước, tạo cảnh đẹp và tận dụng dòng nước để đưa nước từ sông lên tưới cho hàng chục ha ruộng đồng. Bên cạnh đó, tinh thần nhân nghĩa, hiếu học và sự chung thủy cũng là truyền thống luôn thường trực trong con người Quảng Ngãi. 

Để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, những thành tựu đạt được thời gian qua, khắc phục những khó khăn, tồn tại quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tăng cường đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về truyền thống anh hùng cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Tập trung chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, gần dân, sâu sát cơ sở để lắng nghe và nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Hai là, không ngừng đổi mới xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Kiên quyết không để xảy ra tệ chạy chức, chạy chỗ, chạy quy hoạch, bố trí, đề bạt cán bộ vì thân quen, gia đình, dòng họ, cục bộ địa phương và các tiêu cực khác trong công tác cán bộ; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”“tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội; xây dựng đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện 4 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Ba là, tăng cường đầu tư hơn nữa cho các sự nghiệp văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thể dục thể thao, y tế, sức khoẻ; chăm lo đời sống người có công với cách mạng; tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Bốn là, giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề xã hội bức xúc như xoá đói, giảm nghèo; đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.  Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư cho sự phát triển của tỉnh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, xây dựng đô thị văn minh theo hướng hiện đại. Chú trọng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Tăng cường đầu tư các ngành dịch vụ, tạo bước chuyển biến vượt bậc trong hoạt động du lịch, xuất khẩu.

Sáu là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, tăng cường công tác dân vận, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm một lòng, một dạ, không kể trong và ngoài tỉnh để đồng lòng, hợp sức hướng xây dựng quê hương Quảng Ngãi giàu mạnh, văn minh, hiện đại sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước.

---

(*) Tham luận của đồng chí Trần Văn Dư, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh tại buổi Tọa đàm “Tự hào 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Quảng Ngãi” và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2020” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vào sáng ngày 31/01/2020.

 

[1]. Theo thư tịch thì lúc đầu Tây Sơn chia làm 4 đạo: Tây Sơn thượng đạo (An Khê, Vĩnh Thạnh), Tây Sơn hạ đạo (Bình Định, Quy Nhơn), Tây Sơn tả  đạo (Quảng Ngãi), Tây Sơn hữu đạo (Phú Yên).