Kinh tế

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh

Tue, 12/05/2020 | 10:31 AM

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chịu sự tác động của dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong 4 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt một số kết quả khả quan.

Giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 40.433,4 tỷ đồng, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,8% kế hoạch năm; nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì GTSX tăng 17,8%. Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 6.263 ha, tăng 0,2%; sản lượng thuỷ sản đạt 89.680,4 tấn, tăng 3,5%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 389,69 triệu USD, tăng 55,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 39% kế hoạch năm.

Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm được giám sát, phòng trị kịp thời; bệnh dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt. Tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội luôn được các ngành, các cấp chú trọng thực hiện; tập trung triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, đến nay chưa phát hiện ca bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề dưới tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu.

Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp tính chung 4 tháng đầu năm vẫn duy trì mức tăng trưởng so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, hoạt động sản xuất một số ngành trong tháng 4 bị hạn chế do thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, GTSX công nghiệp trong tháng 4/2020 ước đạt 9.876,6 tỷ đồng, giảm 6,07% so với tháng trước và giảm 0,68% so với tháng 4/2019. 

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm 4,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngoại trừ ngành sản xuất các cấu kiện kim loại là chỉ số tiêu thụ tăng (43,58%), còn lại các ngành sản xuất công nghiệp khác đều giảm. 

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/4/2020 tăng 24,58% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm có chỉ số tồn kho tăng 22,29%; dệt tăng 223,96%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 120,32%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 13,27%;... 

Hiện nay, tiến độ sản xuất các loại cây trồng đảm bảo theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống, một số loại cây trồng đang tiếp tục thu hoạch và cho năng suất cao. Tuy nhiên, sản phẩm ớt và dưa hấu do không có thị trường xuất khẩu, ứ đọng nhiều, giá bán thấp gây nhiều khó khăn cho người dân. 

Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu cung ứng trên địa bàn tỉnh và trong nước, không có xuất khẩu. Các trại nuôi gia công cho các doanh nghiệp kinh doanh ngành chăn nuôi được các doanh nghiệp trực tiếp thu mua bao tiêu sản phẩm theo giá cố định nên không ảnh hưởng về giá cả. Mặc dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt, tuy nhiên, người chăn nuôi chưa thể tái đàn ồ ạt, tránh trường hợp tái phát dịch trở lại. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 375.740 m, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho thị trường xuất khẩu gỗ gặp khó khăn, giá gỗ keo giảm nên người dân hạn chế khai thác.

Thời gian vừa qua, nhiều đơn hàng bị hoãn giao hàng hoặc hủy nên hàng thủy sản bị ứ đọng, tồn kho, nhiều doanh nghiệp đã tạm ngưng thu mua hoặc thu mua số lượng ít, điều này khiến cho giá thủy sản sụt giảm. Trước tình hình nhu cầu tiêu thụ cộng với giá thu mua ở mức thấp, nhiều ngư dân lo ngại việc tiếp tục vươn khơi sẽ thua lỗ nên đã cho tàu nằm bờ, kéo theo nhiều lao động thất nghiệp, không có thu nhập. Đối với nuôi trồng thủy sản nước lợ, đa số các hộ nuôi trồng đều thả nuôi hạn chế hoặc chờ qua hết dịch rồi mới tiếp tục thả nuôi. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 16.955,8 tỷ đồng, giảm 6,48% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 28,3% kế hoạch. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, du lịch lữ hành và dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh chịu tác động mạnh của dịch; đặc biệt các doanh nghiệp lữ hành hầu như không phát sinh doanh thu. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 giảm 2,03% so với tháng trước, đây là mức giảm mạnh trong những năm gần đây; giảm 1,45% so với tháng 12 năm trước; tăng 2,51% so với cùng tháng năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành giao thông là nhóm có chỉ số giá giảm mạnh nhất do tác động kép của dịch Covid-19 và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu (giảm 14,7%). 

Tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, lượng hàng hóa đảm bảo cung ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua trên thị trường giảm mạnh. Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt): Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.195,7 tỷ đồng, giảm 14,13% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý năm 2020 là 5.876,178 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc phân khai kế hoạch chi tiết cho các đơn vị để triển khai thực hiện là 5.319,810 tỷ đồng. Ước đến ngày 30/4/2020, tổng giá trị giải ngân là 699,2 tỷ đồng, đạt 13,1% kế hoạch đã phân khai chi tiết.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 5.618 tỷ đồng, bằng 157,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 30,3% dự toán năm. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, dự kiến trong năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hụt thu NSNN khoảng 5.500 tỷ đồng (dự kiến gia dầu thô thế giới bình quân cả năm ở mức 40 USD/thùng) so với dự toán giao đầu năm. 

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ đầu năm đến nay là 215 doanh nghiệp, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2019; tổng vốn đăng ký 835,06 tỷ đồng, giảm 55,06%; có 78 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 17,89%; 189 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21,15%; 33 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 8,33% so với cùng kỳ. 

Từ đầu năm đến ngày 30/4/2020, có 01 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 20 triệu USD, giảm 01 dự án so với cùng kỳ năm 2019. 

Số lượng lớn người lao động, chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án, vì vậy, hoạt động của các nhà máy sản xuất bị trì trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 4/2020, một số doanh nghiệp đã tạm thời cho nghỉ việc đối với khoảng 4.458 lao động và hơn 2.125 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động…

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành liên quan một số cơ chế, chính sách, giải pháp như: Hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, doanh nghiệp... Chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để tiêu thụ các mặt hàng này, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường…

T.H