Kinh tế

Xem với cỡ chữ Tương phản

Năm 2021: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đạt những kết quả nhất định 

Fri, 10/12/2021 | 15:42 PM

Năm 2021 trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt như thiên tai, dịch bệnh Covid-19... tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện Kết luận của Tỉnh ủy đạt được một số kết quả quan trọng. 

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đạt những kết quả nhất định

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 53.501 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 6,0%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 63,6%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.091 USD/người. 

- Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 120.553 tỷ đồng, tăng 14%, đạt 94,8% (sau đây số liệu được so sánh cùng kỳ năm 2020 và kế hoạch năm 2021); trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài dầu ước đạt 50.388 tỷ đồng, tăng 23,8%. 

- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 17.605 tỷ đồng, tăng 3,02%, trong đó một số kết quả nổi bật là: Triển khai 77 cánh đồng lớn với tổng diện tích 1.651 ha; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác khoảng 694 ha. Thực hiện việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đang tiến triển tích cực; sản lượng thịt hơi ngày càng tăng. Diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 24.876 ha, tăng 4,14%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 2,06 triệu m3, tăng 10,4%. Sản lượng thủy sản ước đạt 272.828 tấn, tăng 1,5%, đạt 124% kế hoạch. 

- Giá trị sản xuất dịch vụ ước đạt 24.994 tỷ đồng, giảm 2%, đạt 92%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.680 triệu USD, tăng 19,3%, vượt 20%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.570 triệu USD, tăng 53,4%, vượt 46,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) ước đạt 51.974 tỷ đồng, giảm 3,6%, đạt 94,7%; tổng nguồn vốn tín dụng ngân hàng huy động khoảng 63.830 tỷ đồng, tăng 5,57%; tổng dư nợ cho vay ước đạt 57.150 tỷ đồng, tăng 4,24%; tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 300.000 lượt người, giảm 34%, đạt 33% kế hoạch; tổng doanh thu ước đạt 235 tỷ đồng, giảm 53%, đạt 25% kế hoạch. 

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện, ước đến ngày 31/12/2021, có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch; lũy kế đến nay có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 22.366 tỷ đồng, tăng 41%, đạt 123,6% dự toán; chi ngân sách địa phương ước khoảng 12.985 tỷ đồng, đạt 98,4% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 22.610 tỷ đồng, giảm 20,4%, đạt 90% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 là 3.586 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương 2.589 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 997 tỷ đồng; ước đến 30/11/2021, giải ngân được 2.326 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch vốn Trung ương giao, phấn đấu đến 31/01/2022, giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Trung ương giao. 

- Thực hiện nhiệm vụ về phát triển đô thị đạt một số kết quả tích cực. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,7% (kế hoạch 26,5%), phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030, hoàn thành Đề án Phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030,… 

- Cải thiện môi trường đầu tư được chú trọng, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025; ban hành danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025.

Thu hút đầu tư đạt được một số kết quả, đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 85.499 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 10.000 tỷ đồng; 02 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 24,95 triệu USD. Đến nay, có 469 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 18%; vốn đăng ký 2.751 tỷ đồng. 

- Miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi; các chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm còn 18,01%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản được ổn định. 

- Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu được tăng cường. Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và hoàn thành phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 cho 13 huyện, thị xã, thành phố. Hoạt động khoáng sản thực hiện hiệu quả, đúng quy định; đến nay, cơ bản không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn. Việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường được chú trọng thực hiện từ khâu thẩm định chủ trương đầu tư các dự án; xử lý cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường đối với chất thải rắn tại khu vực đô thị và nông thôn. Công tác thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm thực hiện, triển khai thực hiện Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; đang xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của tỉnh. 

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo:

- Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo được tích cực thực hiện. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho học sinh, giáo viên để phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thành công nhiều kỳ thi ở các cấp học trong điều kiện có dịch. Có 173/173 đơn vị hành chính cấp xã, 13/13 huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tỷ lệ 100%. Ước thực hiện năm 2021, có 387 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 82,47%. 

- Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em được chú trọng triển khai. Trong năm 2021, có 153/173 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 88,44%; số giường bệnh/vạn dân đạt 29,5 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 7,63; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 92%.

- Chính sách xã hội, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo được thực hiện tốt. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm. Chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được triển khai tích cực. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 59,91%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 46%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 5,2%, năng suất lao động tăng 5,7%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm 1%. 

- Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm thực hiện; có thêm 15 di tích cấp tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức với hình thức và quy mô phù hợp; cử vận động viên tham gia 06 giải thể thao cấp toàn quốc, đạt 14 huy chương (03 huy chương Vàng, 05 huy chương Bạc và 06 huy chương đồng). 

- Công tác thông tin và truyền thông được tăng cường, đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước và của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, giảm chi phí và thời gian giải quyết công việc, chú trọng xây dựng công dân điện tử. Thông tin kịp thời, chính xác nhiệm vụ, hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các hệ thống nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19. Công tác quản lý thông tin, báo chí, xuất bản được tăng cường. Hoạt động bưu chính, viễn thông, thông tin liên lạc thông suốt. 

- Công tác quản lý nhà nước về công nghệ, thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tăng cường. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng về trồng trọt, chăn nuôi và công nghệ sinh học; tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất các mặt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, bám sát địa bàn để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở; đồng thời, chỉ đạo thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả với quyết tâm ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh tỉnh đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách, phù hợp với diễn biến dịch bệnh của từng giai đoạn và thực tiễn của tỉnh, các định hướng phòng, chống dịch bệnh được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Trung ương; đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ở các ngành và các địa phương, đơn vị; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân; điều phối các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh … mang lại những kết quả khá toàn diện trên cả phương diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

B.B.T