Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Xem với cỡ chữ Tương phản

Bằng ý chí và niềm tin, “Từ Thành phố này Người đã ra đi”...

Thu, 04/06/2020 | 10:12 AM

Nay chúng ta có đến lại Bến Nhà Rồng, xem lại nơi mà 109 năm trước, sáng ngày 4/6/1911, người thanh niên yêu nước mang tên Văn Ba đã xuống chiếc tàu Latousetrvel, rồi sáng ngày hôm sau, con tàu nhổ neo đưa Người ra đi tìm con đườngcứu nước. Nơi đây, vẫn như đọng lại những hình ảnh xưa, khi Người đã vào Sài Gòn với đất trời phương Nam.

Bên trong Bến Nhà Rồng trưng bày cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TL.

Hồi ức về ngôi trường xưa hơn 110 tuổi

Những ngày Tháng 5 lịch sử này, chúng tôi hành hương về ngôi trường Dục Thanh do các nhà yêu nước từ đầu thế kỷ trước sáng lập, thăm lại ngôi trường cổ kính nhất nhì này ở vùng Nam Trung bộ, không ai không khỏi xúc động. Đây là ngôi trường nằm trung tâm của Thành phố Phan Thiết hiện nay. Đứng lặng hồi lâu, ngắm lại bộ tràng gỗ đã khá cũ kỹ đến hơn trăm năm, bên chiếc bàn đơn sơ ấy, giá sách gọn gẽ, ngăn nắp ấy, đã mang đậm dấu ấn thời gian 110 năm của ngôi trường cổ kính nhất nhì đất miền Nam. Khi ta được nhìn những bức ảnh cổ của ngôi trường về cảnh trí xưa vẫn còn lưu lại nơi đây, hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng là một thầy vào những ngày đầu năm 1910 lại hiện lên dung dị và giáo thực sự đáng kính. Lúc đó, từ Huế vào đây, Người được cụ Trương Gia Mô (bạn thân cụ Nguyễn Sinh Sắc) trong tổ chức Liên Thành Thơ Xã giúp đưa vào dạy học tại trường Dục Thanh - tỉnh lỵ cũ của đất Phan Thiết từ xưa.

Một góc Trường Dục Thanh ngày nay - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học.

Trước đó, thưở còn là học sinh tại trường Quốc học Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trực tiếp chứng kiến bao thăng trầm của cảnh cố đô Huế, các triều vua quan Huế đang cảnh suy tàn; cũng như đất nước ta vào lúc đầu thế kỷ XX đang suy tàn trong vòng nô lệ, lầm than. Những ý thức làm người, kiến thức được học từ trường Quốc học Huế đã nung nấu ý chí và quyết tâm cho Người trở thành một thầy giáo chú tâm giảng giải những điều nhân - nghĩa, mà lịch sử đất nước ta đã thấm hiểu sâu cho những học sinh tại trường Dục Thanh.

Ngôi trường Dục Thanh được ra đời năm Bính Ngọ - 1906, là ngôi trường vào loại đầu tiên đất Phan Thiết; do các nhân sĩ Liên Thành Thương Quán sáng lập, như: Trần Lệ Chất, Hùynh Thúc Kháng Phan Chu Trinh, Nguyễn Qúy Anh… đều là những nhà nho nổi tiếng của Liên Thành Thơ xã, có ảnh hưởng lớn ở vùng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Các tư liệu sử học ghi lại: Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp sắp bước vào lần thứ 3, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, cụ Trần Lệ Chất, một nhà nho yêu nước ở Nam Trung Bộ đứng ra chiêu hiền, lập ra Hội Liên Thành Thơ xã, tại Nhà Võ Ca đình làng Phú Tài, tỉnh lỵ Phan Thiết lúc đó. Khi thành lập xong, các ông cho mở các lớp dạy chữ Hán và Pháp văn, chương trình do những nhà nho yêu nước đảm trách. Các lớp học được dạy vào mỗi buổi tối do các trợ giáo Nguyễn Hiệt Chi - quê Hà Tĩnh - dạy Hán văn; ông Phán sự Lệ Chất, phụ trách dạy Pháp văn. Tất cả sách học đều do phong trào Đông  Kinh Nghĩa Thục biên khảo, chú giải, mà người trực tiếp gửi vào Phan Thiết là ông Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, người giao thân chí thiết của cụ Trần Lệ Chất đích thân mua gữi cho trường Dục Thanh.

Dạy làm người ở trường Dục Thanh

Tài liệu lưu trữ của người Pháp để lại tại Kho Lưu trữ Quốc gia II – Cục Lưu trữ Quốc gia cho chúng ta biết, tại ngôi trường cổ kính này còn lưu giữ nhiều sách, thư án cũ, từ đầu thế kỷ XX. Nay ta vào vẫn thấy Phòng Ngọa Sào – tức nơi đích danh người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng đến đọc sách, nghiên cứu các tài liệu người Pháp đang có ở Đông Dương lúc đó, để mở mang nhận thức, khi về đây làm thầy giáo. Phòng Ngọa Sào trên căn gác gỗ, tuy nhỏ và hẹp so với nay, song từ hơn 110 năm trước, các căn phòng này đã là nơi sinh ra bao ý tưởng yêu nước cho những nhà nho trẻ, vừa đến dạy học tại ngôi trường có chí hướng tân tiến về cách dạy và học.        

Học sinh những năm đầu thành lập, đến từ nhiều tỉnh ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ ra khá đông, chia làm 4 lớp học. Năm cao nhất, trường có 102 học sinh, học từ lớp đệ nhất, đến đệ tứ, với các chương trình độc lập do trường mở. Tại trường, nay còn lưu lại những kỷ niệm về Người, khi từ Huế vào khoảng tháng 9 -10/1910, và Người đã lưu lại đây dạy học đến tháng 2/1911 khi vào Sài Gòn. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, nhiều lúc thêm tiếng Pháp. Khi về đây, Người đề nghị các vị quản lý trường, mở môn thể dục - thể thao, và chính Người trực tiếp dạy học sinh môn học mới mẻ và hứng thú này cho các em. 

Về lại thăm trường, bên dòng sông xanh, nhìn căn phòng cũ Bác từng ở, đọc sách, và những kỷ vật đã cũ, mà trước tháng 2 năm 1911, Người đã rèn luyện ý chí từ trang sách, tài liệu của trường, để rồi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, mới thấy những kỷ vật đó thấm đẫm với Người lúc là thầy giáo dạy những học trò Nam bộ biết học chữ, tu chí làm người.

Học trò vào học tại đây, phải chịu nội quy học tập rất nghiêm, cho tất cả 4 lớp từ lớp nhất, nhì đến lớp đệ tam, đệ tứ. Mỗi sáng, từ 6 giờ sáng, học trò dậy tập bài tập thể dục, sau bài tập thể dục cuối ngày xong, học sinh xếp hàng đi vào lớp ngay ngắn từng người. Vào lớp rồi, tất cả học sinh phải xếp tay vòng trước ngực hát cao giọng Bài ca Ái Quốc, do Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh sáng tác năm 1907. Đây là bài hát thuộc lòng cho mỗi môn sinh trước khi vào đây. Lời bài hát là:                                 

                   Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc;

                   Mấy ngàn năm khai phá đến nay.

                  Á  Âu riêng một cõi này;

                  Giống vàng ta cũng xưa nay một loài.

                  Vuông mấy dặm, ba mươi mấy vạn;

                  Nào bạc vàng nhan nhản thiếu chi.

                  Đồng tươi, ruộng tốt tư bề;

                  Có điều lợi đất, ai bì được đâu![1]

       Mỗi khi cả lớp ca xong, thầy giáo mới rung chuông, các môn sinh mới được ngồi xuống bắt đầu buổi học. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy ở trường mấy tháng, song học trò ai cũng quý mến với đức tính ham hiểu biết, gợi mở rộng ra các kiến thức khi truyền dạy nhiều môn học mà kiến thức những bài học từ lớp Nhất, đến đệ Tứ luôn được Thầy giáo Thành đưa lại sự hứng thú cho học sinh. 

Trở về nơi Người đi tìm chân lý cho non sôngcho dân tộc Việt Nam

Đầu năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ Trương Gia Mô giúp đỡ để đi vào Sài Gòn. Đầu tiên vào, ở tại căn nhà anh Lê Văn Đạt, ở xóm Rạch Bần, là số nhà 185/1 đường Cô Bắc - Quận 1 nay. Có một chi tiết, mà nay ta về thăm trường Dục Thanh, nhìn thấy bức ảnh của người đánh xe ngựa đưa Người ra ga xe lửa đi Sài Gòn - cụ Võ Văn Trang, một người chuyên được các nhân sĩ Liên Thành Thương Quán tin tưởng chuyên chở đi - về. Chính cụ là người đã đón thầy giáo Thành lúc từ Huế vào, và cũng là người đã đánh xe ngựa đưa thầy giáo Nguyễn ra ga xe lửa, vào Sài Gòn. Trong chuyến đi này, cụ Võ Văn Trang còn là người cất giữ 9 (chín) đồng bạc Đông Dương do chính thầy giáo Nguyễn Tất Thành gửi cụ, để trả bớt lại cho Liên Thành Thương Quán lúc chia tay Trường. Đó là một ngày tháng 2 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành trước khi vào Sài Gòn.

Bến Nhà Rồng – dấu mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam. Ảnh TL

Ông Nguyễn Quý Anh, phụ trách phân cuộc Liên Thành thương quán ở Sài Gòn, chỉ đạo ông Phạm Phú Hữu (cháu nội quan đại thần triều đình Huế Phạm Phú Thứ) chi 27 đồng bạc Đông Dương để trao cho Nguyễn Tất Thành làm lộ phí. Nhận tiền, Nguyễn Tất Thành do dự một hồi rồi chỉ nhận 18 đồng còn 9 đồng gửi lại. Thấy vậy, ông Võ Văn Trang với lòng xúc động và kính trọng đã nhận giữ và gửi trả lại bằng 9 đồng bạc giấy cho ông Phạm Phú Hữu nộp vào quỹ Liên Thành thương quán. Cũng từ tháng 5/1911 người cha của Người, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng đã từ quan Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định - giã từ chốn quan trường, cũng lên đường vào Nam.

Lịch sử căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 nay vẫn còn ghi, sáng ngày 4/6 Người tạm biệt ngôi nhà này, để đến làm chân phụ thợ bếp cho tàu Đô đốc Latousestơrevila. Và sáng ngày 5/6/1911 đã đi vào lịch sử dân tộc ta, như một dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Khi ra đi, Người chỉ có hai bàn tay trắng, hai bàn tay của lòng yêu nước, hai bàn tay con người lao động lầm than dưới hầm tàu, để vượt qua bao dông bão, vượt qua bao cám dỗ, vượt qua bao ngặt nghèo cảnh tù đày… nhằm để 30 năm mới mang về cho dân tộc con đường cứu nước chính đáng nhất.

Xem lại những tư liệu tại trường Dục Thanh, có một mối liên quan rất hiện hữu từ ý chí và niềm tin đã đưa Người quyết chí ra đi và vững bước trên mọi chân trời bốn biển, năm châu. Suốt 30 năm trời sau năm 1911 đó, Người đã từ một lao động nghèo, một ký giả nghèo cùng sống, cùng đấu tranh, cùng hòa mình vào bao cuộc đời cần lao, với các tổ chức yêu nước khắp năm châu, để đi đến tìm ra một chân lý chính đáng nhất - đó là chân lý của độc lập và tự do.

Cũng vào mùa Xuân sau đó 30 năm, vào tháng 2-1941 Người đã trở về Tổ quốc tại Fắk Bó - Cao Bằng, để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo toàn diện cuộc cách mạng cho dân tộc Việt Nam - đưa đến những chiến thắng sáng ngời của toàn dân tộc. Đó là, phải đánh đuổi cho được những tên đế quốc to, mạnh nhất thế giới xâm lược nước ta. Những đại thắng mùa Xuân vào năm 1954,1975, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão của Người khi ra đi tìm đường cứu nước. Đó cũng là chân lý mà Người mang lại: Độc lập - Tự do - Bình đẳng - Bác ái cho toàn dân tộc, nhân dân ta./.  

Theo Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu/tuyengiao.vn

 

[1] - Trích trong: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Khu Di tích Đồng Tháp, 1990, Tr. 70 - 71