Xem với cỡ chữ Tương phản

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người

Wed, 08/05/2024 | 07:00 AM

Chiều 07/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trương Thị Mỹ Trang chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Dự hội nghị có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Hội VHNT tỉnh; Thường trực, ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố phụ trách Văn hóa - Xã hội; Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện, thị xã, thành phố…

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của xây dựng, phát triển văn hóa đối với xã hội ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn.

Đại biểu dự hội nghị

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách... phù hợp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát động nhiều phong trào thiết thực như: các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa…. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao gắn với tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước; qua đó, góp phần xây dựng con người Quảng Ngãi có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, ôn lại truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc, địa phương.

Chủ trì hội nghị

Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; khắc phục tính ích kỷ, hẹp hòi; khuyến khích tinh thần cống hiến, sáng tạo vì cộng đồng; đức tính tự trọng, tự chủ, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt trong học sinh, sinh viên, thanh niếu niên.

Vai trò của văn học - nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi tiếp tục được phát huy. Chất lượng tác phẩm ngày càng được nâng lên, có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, hình thức nghệ thuật. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, sân vận động tỉnh, nhà thi đấu đa năng .. được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao. Nhiều cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, góp phần phát triển các dịch vụ y tế về số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Văn Nghiệp thông qua báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 tại hội nghị

Việc xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, lịch sự đã được quan tâm chỉ đạo, giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Công tác xây dựng gia đình có nhiều tiến bộ. Nhiều truyền thống tốt đẹp trong gia đình như: ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng chung thủy, hòa thuận, anh chị em đoàn kết, yêu thương nhau được phát huy.

Các cấp công đoàn và nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng đi vào thực chất, thiết thực.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị

 Hầu hết các thôn, tổ dân phố đều xây dựng hương ước, quy ước, quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo trong các cơ quan, đơn vị; công đoàn tổ chức các hoạt động gây quỹ, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp tết, lễ…

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được tăng cường tổ chức, với hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp với điều kiện của địa phương. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được đẩy mạnh và thu được những kết quả đáng khích lệ.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá được quan tâm thực hiện, góp phần xây dựng văn hóa, con người và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều lễ hội của cư dân vùng đồng bằng, ven biển, hải đảo và các loại hình diễn xướng dân gian được duy trì và phát huy giá trị. Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành nghi lễ tiêu biểu của cả nước...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn những mặt hạn chế; những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh chưa bền vững. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống; tình trạng mê tín, dị đoan có biểu hiện gia tăng; một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một. Chưa phát huy tốt việc khai thác du lịch gắn với các di sản, truyền thống văn hóa và danh lam thắng cảnh; hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa chưa nhiều. Vai trò tham mưu của ngành chức năng còn hạn chế, thụ động, thiếu tính sáng tạo. Vẫn còn ít tác phẩm đạt giá trị cao về nội dung nghệ thuật, nhất là chưa phản ánh đúng thành quả của công cuộc đổi mới và quá trình phát triển của tỉnh…

Tại hội nghị, đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, phát biểu về một số nội dung có liên quan, nhất là về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để làm tốt hơn công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết 33, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33, Kết luận số 635 -KL/TU ngày 01/11/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ Năm khóa XX về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 gắn với thực hiện các nội dung về văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy phát biểu kết luận hội nghị

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Bố trí nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa vật thể, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp, bền vững trong văn hóa truyền thống và tiếp thu, chọn lọc các giá trị văn hóa hiện đại tích cực để xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, khẳng khái, khoan dung, thân thiện, năng động, có ý thức trách nhiệm xã hội, có lòng yêu nước, khát vọng cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển trong mỗi người dân Quảng Ngãi, nhất là thế hệ trẻ.

Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý văn hóa với cơ quan quản lý giáo dục trong việc hình thành nhân cách, con người Quảng Ngãi.

Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong đời sống. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực văn hóa. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa.

Đ. Nhất