Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 

Th 5, 19/05/2022 | 15:50 CH

Ngày 18/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh xin giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

CHỈ THỊ

CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY

về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

---

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng chính quyền điện tử, bước đầu hình thành chính quyền số, chuyển đổi số; hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh ngày càng được phát huy; Cổng Dịch vụ công của tỉnh được vận hành tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã cung cấp hơn 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống thư điện tử dùng chung với hơn 11.000 tài khoản được triển khai đồng bộ đến cấp cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung thống nhất trong toàn tỉnh đã liên thông 4 cấp trong các cơ quan nhà nước và liên thông với các cơ quan đảng cấp huyện trong toàn tỉnh; Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống phần mềm một cửa đã triển khai đồng bộ đến cấp xã; đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tăng cường, chú trọng;… 

Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số và chuyển đổi số của tỉnh có một số hạn chế như: Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ngãi đứng ở vị trí thấp so với cả nước; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng như tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia chưa nhiều; người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn ít; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; các ứng dụng chuyên ngành còn mang tính cục bộ, chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ; chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế;… 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: 

1. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau: 

1.1. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 271-KH/TU ngày 27/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển đổi số; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính của địa phương trong chương trình tổng thể cải cách hành chính theo từng giai đoạn và hằng năm; đồng thời tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. 

1.2. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: Nhận thức đóng vai trò quyết định; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nền tảng số là đột phá; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số. 

1.3. Chuyển đổi số phải hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp cần thì tập trung chuyển đổi trước. Tập trung phổ cập và phát triển công dân số; trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng tâm như: Nông nghiệp và thương mại; giáo dục; y tế; giao thông vận tải và logistics; tài nguyên và môi trường; du lịch; tài chính - ngân hàng;… 

1.4. Phải xác định chuyển đổi số là “động lực” quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có tính động, tính mở để phù hợp, đúng với định hướng, chỉ đạo của Trung ương trong từng giai đoạn phát triển; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương. 

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

2.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Chiến lược chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và gắn nhiệm vụ chuyển đổi số với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. 

2.2. Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu. Chuyển đổi số trong thời gian tới phải đạt được mục tiêu có sự chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá, nâng kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh lên đạt mức trung bình khá trở lên từ năm 2022. 

2.3. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đối với từng chỉ số thành phần của chỉ số chuyển đổi số; hàng năm, ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả và phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. 

2.4. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số chuyển đổi số, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số và tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh. 

2.5. Nghiên cứu bố trí nguồn lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, số hóa dữ liệu. Tập trung chỉ đạo, triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm tập trung, đồng bộ, chia sẻ liên thông và an toàn thông tin. Hình thành cơ sở dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác thuận lợi. 

2.6. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số để trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo để truyền thông trên các nền tảng số theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận và dễ lan tỏa” nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên các nền tảng số, từng bước hình thành công dân số. 

2.7. Nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin và quyền riêng tư trên môi trường mạng đến cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị trong tỉnh và các doanh nghiệp chuyển đổi số; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin đối với tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh. Chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số chú trọng công tác bảo đảm an toàn thông tin; phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Chuyển đổi số phải gắn liền với công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. 

2.8. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp có năng lực, uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai các nền tảng ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm, nâng cao hiệu quả đầu tư. 

2.9. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện. 

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh có liên quan về Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân trong tích cực hưởng ứng chương trình chuyển đổi số tại địa phương. 

5. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực, nguồn nhân lực tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ

Đặng Ngọc Huy

Tải về: Tại đây.