Chính trị

Xem với cỡ chữ Tương phản

Đồng chí Nguyễn Trí, tấm gương cộng sản mẫu mực, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

CN, 05/05/2019 | 10:11 SA

Đồng chí Nguyễn Trí sinh ngày 15/5/1909 tại xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm lên 12 tuổi, đồng chí Nguyễn Trí phải rời quê hương vào tỉnh Vĩnh Long đi ở cho địa chủ. Năm 1927, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Vĩnh Long và là Bí thư Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Vĩnh Long. Năm 1929, đồng chí gia nhập An Nam Cộng sản Đảng, một trong 3 tổ chức Cộng sản được hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam sau này, Bí thư chi bộ đầu tiên An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Vĩnh Long. Ngày 03/2/1930, lúc vừa tròn 21 tuổi đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng.

Ngày 01/5/1930, đồng chí Nguyễn Trí bị thực dân Pháp bắt khi lãnh đạo cuộc biểu tình tại tỉnh Vĩnh Long, đưa lên khám lớn Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Năm 1933 mãn hạn tù, đồng chí trở về đất liền, tham gia Uỷ viên Thường vụ Phân Xứ uỷ Nam Kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Châu Đốc, Hậu Giang.

Năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, đày ra Côn Đảo. Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, ra lệnh ân xá toàn bộ tù chính trị tại Đông Dương. Nhân sự kiện này, đồng chí được ra tù, bị thực dân Pháp trục xuất về Quảng Ngãi. Trở về hoạt động tại quê nhà, đồng chí có nhiều công lao to lớn trong việc gây dựng lại phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi và được cử làm Uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Liên Tỉnh uỷ  Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên, từ tháng 7-1937 đến đầu năm 1938.

Năm 1938, đồng chí xây dựng gia đình với bà Võ Thị Ân, một người đồng chí cùng quê hương, xã Phổ An, huyện Đức Phổ. Để che mắt sự khủng bố của mật thám Pháp, hai vợ chồng đồng chí mở một nhà may tại Quy Nhơn (Bình Định) vừa gây quỹ hoạt động cách mạng vừa làm cơ sở liên lạc cho Liên Tỉnh uỷ.

Năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ 3 tại Quy Nhơn, đày lên Buôn Mê Thuột. Năm 1944, đồng chí bị thực dân Pháp đưa về giam lỏng ở Căng an trí Ba Tơ. Tháng 3/1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa Ba Tơ và được cử làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện Ba Tơ.

Tháng 8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Trí được cử phụ trách công tác huấn luyện cán bộ của Mặt trận Việt Minh miền Trung Trung bộ. Tháng 1/1946, đồng chí được cử tri Quảng Ngãi bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội.

Tháng 7/1946, theo sự phân công của Đảng và Hồ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Trí là một trong 12 thành viên tham gia thành lập Đảng Xã hội Việt Nam, nhằm tập hợp đoàn kết tầng lớp trí thức Việt Nam tham gia xây dựng và bảo vệ nền cộng hòa non trẻ vừa được lập ra sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và được cử giữ chức vụ Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam.

Năm 1947, sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được phân công về quê hương Quảng Ngãi công tác và làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, phụ trách công tác tổ chức, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1953, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn cán bộ Liên khu V, đi bộ vượt Trường Sơn ra Việt Bắc để tham gia công tác cải cách ruộng đất. Trong đoàn có hơn 50 trẻ em đi cùng, được đồng chí giúp đỡ cho đi học tập, sau này đều trưởng thành, tiến bộ. Thời gian sau cải cách ruộng đất, đồng chí làm Trưởng đoàn sửa sai cải cách ruộng đất của tỉnh Thái Nguyên.

Năm 1954, đồng chí công tác tại Quốc hội, giữ chức vụ Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội khoá I, Trưởng Ban Kinh tế của Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội khoá I.

Năm 1958, đồng chí công tác tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giữ chức Vụ trưởng Vụ Quản lý Nhân công, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động nước ngoài (nay là Cục Hợp tác Quốc tế về Lao động).

Đồng chí liên tục được bầu là Đại biểu Quốc hội các khoá I, II, III (1946 -1971).

Năm 1971, đồng chí nghỉ hưu và sống tại Hà Nội. Năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí cùng gia đình về sinh sống tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1980, đồng chí cùng gia đình chuyển về sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 05/5/1995 đồng chí mất tại T.p Hồ Chí Minh, an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (phường Linh Trung, quận Thủ Đức).

Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Trí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Trí gắn liền với lịch sử oanh liệt của Đảng, của dân tộc, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Trong bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Trí là tấm gương mẫu mực của người chiến sỹ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Trí (1909-2019), Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ chức đoàn thăm, dâng hương nhân kỷ niệm ngày sinh đồng chí Nguyễn Trí tại gia đình (số 10.03 lô A, chung cư Bàu Cát 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh./.

Võ Văn Hào - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.