XÂY DỰNG ĐẢNG

Xem với cỡ chữ Tương phản

Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, nhất là nắm bắt, định hướng, giải quyết các vấn đề tư tưởng trong tình hình mới

Th 5, 08/04/2021 | 10:29 SA

Ngày 05/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, nhất là nắm bắt, định hướng, giải quyết các vấn đề tư tưởng trong tình hình mới, Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

 

CHỈ THỊ

về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, nhất là nắm bắt, định hướng, giải quyết các vấn đề tư tưởng trong tình hình mới

-----

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội và trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. 

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin, nhất là mạng xã hội cùng với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, công tác tư tưởng của cấp ủy, tổ chức đảng còn bộc lộ một số hạn chế: Việc tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; việc theo dõi, nắm bắt, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận, tâm trạng xã hội có việc chưa kịp thời, thiếu chiều sâu; đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin tiêu cực có mặt còn lúng túng, thiếu sắc bén; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nơi chưa thực chất; trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa tốt…, đã ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. 

Để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, phát huy mạnh mẽ vai trò “đi trước, mở đường” của công tác tư tưởng, góp phần ổn định tư tưởng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: 

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu đối với công tác tư tưởng. 

- Ban thường vụ, bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tư tưởng trong đảng bộ, chi bộ; chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của công tác tư tưởng để tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả. 

Thường xuyên quán triệt quan điểm công tác tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; trong đó trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là trọng tâm; công tác tư tưởng phải bám sát đời sống Nhân dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chú trọng xây dựng con người, môi trường tư tưởng, văn hóa lành mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; giữa đảm bảo tính định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng với lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. 

- Ban thường vụ, bí thư cấp ủy chủ trì và chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị sát với thực tiễn ngành, địa phương, đơn vị. Đưa nhiệm vụ học tập lý luận chính trị, nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào quy chế hoạt động của đơn vị mình; coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hàng năm. 

Chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, mang tính đột phá để vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn; khắc phục tính hình thức trong sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từng địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện tốt các chuẩn mực về mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và Nhân dân; đề cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn đạo đức, tác phong, lối sống, chống thái độ vô cảm, xa dân. 

- Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quản lý hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhất là kỷ luật phát ngôn. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân cho cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ; nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra những giải pháp phù hợp để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục lành mạnh, tiến bộ; nâng cao chất lượng giảng dạy môn giáo dục công dân, lịch sử, truyền thống, địa lý địa phương; chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân ở tất cả các cấp học, bậc học; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giáo dục, rèn luyện thanh, thiếu niên, học sinh. 

2. Cả hệ thống chính trị thường xuyên triển khai đồng bộ việc nắm bắt diễn biến và định hướng tư tưởng, dư luận, tâm trạng xã hội; tăng cường công tác thông tin gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tạo đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. 

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu giải quyết thông tin dư luận xã hội. Phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội nhằm giúp người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp nắm vững, dự báo đúng, chính xác, để chỉ đạo và tổ chức xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng và xã hội. 

- Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên trong việc cung cấp thông tin có định hướng của Đảng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

- Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ theo định kỳ; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu và có biện pháp bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh với những tiêu cực. 

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với Nhân dân; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại, xử lý những phản ánh của Nhân dân liên quan đến dân sinh, việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

3. Tăng cường quản lý, chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí; phát huy có hiệu quả các loại hình, phương tiện tuyên truyền, tạo sự lan tỏa các chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đến các tầng lớp Nhân dân. 

- Chủ động, kịp thời, công khai, minh bạch trong cung cấp, định hướng thông tin báo chí. Thực hiện tốt các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời, chuẩn xác. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu phải thực sự cầu thị, không né tránh trong việc tiếp thu, giải trình, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém được báo chí phản ánh. 

- Các cơ quan báo chí xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục; tập trung tuyên truyền sâu sắc nội dung, cách làm hiệu quả của cấp ủy, chính quyền; kịp thời phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng những nhân tố mới, tích cực. Nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong hoạt động báo chí; tạo môi trường dư luận xã hội tốt, lan tỏa mặt tích cực sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân. 

- Đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng “tự đề kháng” của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với những thông tin xấu độc, những luận điệu tuyên truyền sai trái, bịa đặt, phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh, gỡ bỏ, vô hiệu hóa các trang thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và phản bác thông tin sai trái, xuyên tạc; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là giới báo chí, văn nghệ sỹ, đoàn viên, thanh niên trong đấu tranh, đẩy lùi những thông tin tiêu cực trên không gian mạng. 

- Tích cực ứng dụng những phương tiện truyền thông mới vào hoạt động báo chí, thông tin, tuyên truyền gắn với tiếp nhận, xử lý những ý kiến phản hồi của các tầng lớp Nhân dân thông qua internet, mạng xã hội. 

4. Các cơ quan nhà nước tăng cường hoạt động phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư (khóa XII) về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm. Trọng tâm là thường xuyên nắm bắt thông tin, dư luận xã hội; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng”. Tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. 

5. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. 

Phối hợp gặp gỡ, vận động, tuyên truyền để giải tỏa những bức xúc của đảng viên, hội viên, góp phần ổn định tình hình, an ninh chính trị của địa phương.

6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: 

- Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, chỉ đạo, tổ chức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội trong toàn tỉnh, kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng trong Đảng, tâm trạng của các tầng lớp Nhân dân và dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất những vấn đề nổi cộm, bức xúc, Nhân dân quan tâm. 

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan duy trì chế độ giao ban báo chí; chỉ đạo định hướng các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

7. Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này phổ biến đến Chi bộ./.

                                                                                      T/M BAN THƯỜNG VỤ

                                                                                      BÍ THƯ

                                                                                        Bùi Thị Quỳnh Vân