VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIX

Xem với cỡ chữ Tương phản

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX

Th 3, 26/02/2019 | 15:58 CH

TIẾP TỤC XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH; PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG VÀ SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VÀ ĐỒNG BỘ KINH TẾ - XÃ HỘI; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG, AN NINH; PHẤN ĐẤU SỚM TRỞ THÀNH TỈNH CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVIII

      Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh ta chịu nhiều tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và diễn biến phức tạp trên Biển Đông; nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra gặp nhiều khó khăn; mặt khác thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại nặng nề... Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (sau đây viết tắt là Nghị quyết 18) đạt được nhiều thành quả quan trọng.

      I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

      1. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, quy mô tổng sản phẩm tăng lên đáng kể

      Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 7,2%/năm[1] (không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Năm 2015, tỷ trọng công nghiệp chiếm 62%, dịch vụ chiếm 24%, nông nghiệp chiếm 14% trong tổng GRDP (chỉ tiêu Nghị quyết 18: lần lượt là 61-62%; 25-26%; 12-13%); tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 47%, công nghiệp chiếm 28%, dịch vụ chiếm 25% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Quy mô tổng sản phẩm năm 2015 (giá so sánh năm 1994) đạt 12.410 tỷ đồng, tăng 3.652 tỷ đồng so với năm 2010[2]. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.485 USD (vượt 13% chỉ tiêu Nghị quyết 18 [3]).

      Chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của nền kinh tế được nâng lên; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và môi trường đầu tư được cải thiện.

      1.1. Thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển công nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng

      Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 (giá so sánh năm 1994) đạt 22.234 tỷ đồng, tăng 4.474 tỷ đồng so với năm 2010, tăng bình quân 4,6%/năm (không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp được đầu tư nâng cấp, mở rộng[4]. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời là hạt nhân tạo động lực thu hút đầu tư. Đến năm 2015, Khu Kinh tế Dung Quất có 80/122 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 5 tỷ USD, giải quyết việc làm trên 20.000 lao động.

      Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đang hoàn thành giai đoạn 1, tạo động lực mới cho sự phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ của tỉnh.

      Khu Công nghiệp Tịnh Phong và Quảng Phú đạt tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 80% và 100%; có 60/100 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 5.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 15.000 lao động.

      Sản lượng điện tăng đáng kể; hoàn thành việc đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện: Cà Đú, Hà Nang, Nước Trong, Sông Riềng, Đăkđrinh, Huy Măng với tổng công suất 160 MW, đưa điện lưới quốc gia đến đảo Lý Sơn.

      Công nghiệp nhẹ có bước phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân[5]. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn có bước phát triển khá. Các sản phẩm đường, sữa, nước khoáng, tinh bột mì... đều tăng.

      1.2. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả; nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ở nông thôn được nâng lên

      Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 1994) năm 2015 đạt 3.365 tỷ đồng, tăng 615,5 tỷ đồng so với năm 2010, tăng bình quân 4,1%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18); trong đó, nông nghiệp tăng 2%, lâm nghiệp tăng 13,5%, thủy sản tăng 6,4%.

      Giá trị sản xuất bình quân 01 ha đất nông nghiệp đạt 57 triệu đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 479.799 tấn (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên; đàn trâu, bò, gia cầm tăng, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp; diện tích lúa, mía, mì ổn định, năng suất tăng [6].

      Quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng; tổng diện tích rừng tăng, năm 2015 đạt 280.000 ha; trong đó, rừng trồng 168.000 ha; rừng sản xuất trồng mới tăng bình quân 6.477 ha/năm, nâng độ che phủ rừng lên 50% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Ngành thủy sản tiếp tục phát triển; hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, đã xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão, 03 công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nhà máy chế biến thủy sản, 24 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền. Toàn tỉnh có 5.480 chiếc tàu, công suất bình quân 170 CV/chiếc, tăng 85 CV/chiếc so với năm 2010. Sản lượng thủy sản tăng bình quân 7,4%/năm. Năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt 150.590 tấn, tăng 46.399 tấn so với năm 2010; giá trị sản xuất đạt 1.180 tỷ đồng, tăng bình quân 6,4%/năm.

      Xây dựng nông thôn mới được chú trọng thực hiện[7]; năm 2015, có 12 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới. Đời sống nhân dân ở nông thôn có nhiều khởi sắc, điều kiện đi lại, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại, thông tin... ngày càng tốt hơn.

      1.3. Thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển, một số dịch vụ có giá trị gia tăng cao

      Giá trị sản xuất ngành dịch vụ (giá so sánh năm 1994) năm 2015 đạt 6.494 tỷ đồng, tăng 2.937 tỷ đồng so với năm 2010, tăng bình quân 12,8%/năm (không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 17,2%/năm.[8]

      Dịch vụ du lịch có bước phát triển; khách du lịch tăng bình quân 12,7%/năm, doanh thu tăng bình quân 20,7%/năm.

      Dịch vụ vận tải phát triển nhanh, số lượng hành khách và tổng lượng hàng hóa vận chuyển tăng bình quân lần lượt là 11,6%/năm và 12,9%/năm, doanh thu bình quân tăng 23%. Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển mạnh, doanh thu năm 2015 đạt 1.400 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2010. Hoạt động tín dụng ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, vốn huy động và dư nợ cho vay tăng bình quân 17,64%/năm và 16,18%/năm; nợ xấu dưới 2%.

          Hệ thống hạ tầng thương mại, chợ, cửa hàng, siêu thị tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp các vùng[9].

      1.4. Kinh tế đối ngoại có bước phát triển; tích cực huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thu ngân sách tăng cao

      Kinh tế đối ngoại đạt kết quả khá tốt; có 30 chương trình, dự án ODA được đầu tư, giải ngân khoảng 1.185 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 25 dự án FDI, tăng 67% so với giai đoạn 2005 - 2010[10]. Đến nay, có 17 dự án FDI đang hoạt động, tạo ra 10.000 việc làm mới. Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đạt một số kết quả tích cực[11].

      Về thu hút đầu tư trong nước, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 95 dự án, với tổng vốn đăng ký 62.000 tỷ đồng[12]. Lũy kế đến năm 2015, có 285 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 160.000 tỷ đồng, vốn thực hiện 81.500 tỷ đồng, 190 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm khoảng 25.000 lao động.

      Giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 545 triệu USD (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18[13]). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt 65.000 tỷ đồng[14] (không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Tổng thu ngân sách nhà nước tăng cao, năm 2015, ước thu 33.840 tỷ đồng, tăng 117,8% so với năm 2010; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 128.189 tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm[15].

      1.5. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng

      Huy động được nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp... được tập trung đầu tư đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho tỉnh[16], góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

      Trong 5 năm, ngân sách tỉnh đầu tư khoảng 14.288 tỷ đồng cho 614 dự án[17], hoàn thành, đưa vào sử dụng 530 dự án; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu đầu tư khoảng 900 dự án nhỏ. Trung ương cân đối gần 10.000 tỷ đồng cho các dự án lớn như: Hồ chứa nước Nước Trong, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24, cấp điện cho Lý Sơn bằng cáp ngầm....

      Đến nay, tỷ lệ đường huyện được nhựa hóa, cứng hóa đạt 65%, đường xã 55%, đường thôn 12%[18]; kiên cố hóa 395,8 km kênh mương, xây dựng mới và nâng cấp 235 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí hơn 2.900 tỷ đồng[19].

      1.6. Quy mô, hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế gia tăng

      Tỉnh đã tích cực gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; tạo sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất. Đến năm 2015, có 3.710 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 1.037 doanh nghiệp so với năm 2010, trong đó, có 06 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do tỉnh quản lý, 28 doanh nghiệp có cổ phần vốn nhà nước, còn lại là doanh nghiệp tư nhân hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Tuy gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp đều phát triển về quy mô, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách. Quy mô vốn điều lệ đăng ký năm 2015 là 41.683 tỷ đồng, tăng 11.289 tỷ đồng; nộp ngân sách năm 2015 là 28.848 tỷ đồng, tăng 18.698 tỷ đồng so với năm 2010.

      Kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực; đến năm 2015, toàn tỉnh có 245 hợp tác xã, trong đó có 45,91% hợp tác xã khá, giỏi; có 48 trang trại (30 trang trại chăn nuôi và 18 trang trại tổng hợp) đạt tiêu chuẩn theo quy định.

      1.7. Các vùng kinh tế phát triển tương đối đồng bộ, phát huy được lợi thế của vùng trong mối liên kết ngày càng chặt chẽ hơn

      1.7.1. Thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển đô thị đạt một số kết quả bước đầu

      Công tác quy hoạch đô thị chuyển biến rõ nét[20]. Hạ tầng đô thị được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng; trong 5 năm, huy động vốn xã hội khoảng 11.151 tỷ đồng đầu tư cho khu vực đô thị[21], tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tăng từ 14,63% năm 2010 lên 17,11% năm 2015 (không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Thực hiện tốt Nghị quyết 123 của Chính phủ, năm 2015, thành phố Quảng Ngãi được công nhận đô thị loại II. Thị trấn Đức Phổ được tập trung đầu tư, có 42/49 tiêu chí đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đô thị Vạn Tường, thị trấn Di Lăng và các thị trấn khác được quy hoạch, từng bước đầu tư phát triển hạ tầng, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội.

      Tốc độ tăng giá trị sản xuất của khu vực đô thị bình quân đạt 14,5%, thu ngân sách khu vực đô thị (kể cả khu công nghiệp, khu kinh tế) chiếm 93,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành. Phát triển đô thị cùng với công nghiệp đã tác động tích cực giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo khu vực nông thôn, miền núi.

      1.7.2. Về phát triển vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo

      - Đối với vùng đồng bằng:

      Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đã xây dựng 10 cánh đồng mẫu lớn, với diện tích gần 300 ha; coi trọng ứng dụng giống lúa mới thích nghi với biến đổi khí hậu và các vật nuôi năng suất cao; chăn nuôi bò phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Vùng nguyên liệu mía, mì, keo cơ bản đáp ứng đủ cho công nghiệp chế biến tinh bột mì, sản xuất bio-ethanol, công nghiệp mía đường, dăm, gỗ.

      - Về phát triển ven biển và hải đảo:

      Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, kinh tế biển có bước phát triển; triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản; phát triển tàu có công suất lớn; quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá; tổ chức liên kết sản xuất trên biển thông qua vận động ngư dân tham gia hợp tác xã nghề cá, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá; nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. Tổ chức Hội thảo Quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1995 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, mở ra nhiều thuận lợi để phát triển đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị quyết 09 của Trung ương Đảng khóa X.

      1.7.3. Về phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi

      Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi được tập trung thực hiện; kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,78%/năm[22]; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp[23]; trong 5 năm, nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển cho khu vực miền núi là 3.500 tỷ đồng; hộ nghèo giảm từ 32.690 hộ (năm 2010) còn 16.264 hộ (năm 2015), trung bình giảm 6,8%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Khai thác hợp lý tiềm năng thủy điện, khoáng sản, góp phần tăng tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

      Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được giữ vững[24]. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều cải thiện; bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được kiểm soát; dịch bệnh được đẩy lùi. Công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện; chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được thực hiện chu đáo, một số sai sót trong việc thực hiện chính sách được chấn chỉnh kịp thời; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường.

      1.8. Quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; công tác quản lý, bảo vệ môi trường được tăng cường

      Hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; quy hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được tiến hành thận trọng, chặt chẽ. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đạt kết quả khá[25]. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được một số kết quả bước đầu.

      Đến nay, tỷ lệ xử lý chất thải rắn ở khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị đạt 75%, ở nông thôn đạt 40%; tỷ lệ xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 66%; tỷ lệ dân cư đô thị dùng nước sạch đạt 87%, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%.

      2. Giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực; các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên

      2.1. Thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực đạt được nhiều kết quả quan trọng

      Công tác phát triển nguồn nhân lực được thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu từ khảo sát thực trạng, dự báo nhu cầu đến quy hoạch, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp được nâng lên.

      Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động chiếm 45% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18); đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ cao vượt chỉ tiêu[26].

      Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, công tác dân số, y tế, phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất nguồn nhân lực. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm[27]; tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,736.

      Huy động được 9.800 tỷ đồng, chiếm 12 - 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho công tác phát triển nguồn nhân lực; trong đó, ngân sách nhà nước là 1.168 tỷ đồng.

      2.2. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên

      Công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các cấp học đạt từ 99,5% trở lên[28]. Hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện. Phương thức đào tạo được mở rộng, đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

      Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học đạt chỉ tiêu Nghị quyết[29]. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 98,8%; 95% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

      Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tương đối cao, bình quân hàng năm 30% lượt thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Số sinh viên đại học, cao đẳng đạt 400 sinh viên/vạn dân.

      Thực hiện đầy đủ và tương đối kịp thời các chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, hộ nghèo, miền núi, hải đảo. Xã hội hoá giáo dục - đào tạo đạt một số kết quả quan trọng; các hoạt động khuyến học, khuyến tài đạt hiệu quả thiết thực.

      2.3. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đạt được một số kết quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

      Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có tiến bộ; ưu tiên thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

      Kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học để triển khai các dự án quy mô lớn; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, giá trị các các sản phẩm nông nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hiện có 59,6% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      2.4. Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển khá nhanh

      Hạ tầng bưu chính, viễn thông tiếp tục được hoàn thiện, trong đó hạ tầng viễn thông được đầu tư đến trung tâm 183 xã (trừ xã An Bình, huyện Lý Sơn), 99% khu vực dân cư có sóng thông tin di động, 99% số xã có thư báo đến trong ngày; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại đạt 94%, tỷ lệ người sử dụng internet (quy đổi) đạt 55%, tốc độ tăng bình quân 12%/năm.

      Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp, cung cấp thông tin qua cổng thông tin điện tử... đã phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức và công dân.

      Hạ tầng truyền dẫn sóng phát thanh, truyền hình được mở rộng; đến năm 2015, 85% số hộ gia đình tiếp cận được thông tin qua các phương tiện thông tin và truyền thông (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Công tác quản lý và hoạt động báo chí có nhiều chuyển biến tích cực.

      2.5. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được chú trọng

      Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế từng bước được nâng lên; chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ đối với bệnh nhân bước đầu có chuyển biến tích cực; quản lý hành nghề y dược tư nhân; thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đạt một số kết quả quan trọng.

      Cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa; trang thiết bị y tế được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ, dược sĩ (đại học), cử nhân y khoa tăng nhờ có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo.

      Đến nay, 183 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ hoạt động; 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; đạt 5,5 bác sĩ/vạn dân, 21,6 giường bệnh/vạn dân (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Công tác phòng, chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện một cách chủ động, tích cực. Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin hàng năm đạt trên 95%. Cơ bản khống chế tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2015, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,82% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18). Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được quan tâm; đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 88%.

      2.6. Văn hoá, thể dục thể thao có những mặt chuyển biến tích cực, từng bước đồng bộ với phát triển kinh tế

      Thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, từng bước hoàn thiện.[30] Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được duy trì, có bước chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tăng về quy mô, chất lượng và phát triển đều khắp ở các địa phương; đến năm 2015, có 85% gia đình, 75% thôn, tổ dân phố, 95% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Văn học nghệ thuật có bước phát triển. Một số di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy. Nhiều di tích lịch sử được bảo quản, tu bổ, phục hồi; tổ chức tốt các ngày lễ, sự kiện văn hóa.[31] Công tác quản lý, phòng, chống các sản phẩm phi văn hoá, hoạt động mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội được tăng cường.

      Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, đa dạng loại hình; đến năm 2015, có 30% dân số và 20% số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18); hoạt động thể dục thể thao tiếp tục phát triển, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công nhiều giải thể thao khu vực và toàn quốc; một số vận động viên của tỉnh đạt thành tích cao tại các giải quốc gia và quốc tế. Nhiều thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất và hoạt động thể thao được thực hiện từ nguồn lực xã hội.

      2.7. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội

      Giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, bình quân mỗi năm khoảng 36.500 lao động; hộ nghèo giảm từ 75.034 hộ năm 2010 còn 26.538 hộ năm 2015, trung bình giảm 3,23%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết 18).

      Trong 5 năm, xây dựng 6.172 nhà, sửa chữa 1.213 nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí 213,396 tỷ đồng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được xã hội quan tâm; 85% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công; 95% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng; huy động được nhiều nguồn lực xã hội để thực hiện an sinh xã hội.

      Trong 5 năm, chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hoá - xã hội khoảng 27.968 tỷ đồng, bằng 48,6% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chủ yếu là chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân [32].

      3. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác nội chính được tăng cường, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội

      Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mà nền tảng là khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên.

      Lực lượng vũ trang được xây dựng đủ số lượng, ngày càng vững mạnh toàn diện, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,5% so với dân số, lực lượng công an xã ngày càng được củng cố; 93,96% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, an ninh (đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 18), trong đó 48,95% xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện. Tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.

      Chất lượng, hiệu quả công tác công an tiếp tục được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống các loại tội phạm, nhất là ma tuý, mua bán người, gây rối an ninh trật tự được thực hiện có hiệu quả. Chỉ đạo ngăn chặn kịp thời tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.

      Công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ nhân dân phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, đấu tranh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân trên biển ngày càng chủ động, thiết thực.

      Các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành được tuyên truyền, phổ biến kịp thời; chỉ đạo thực hiện bước đầu có kết quả Chiến lược cải cách tư pháp. Tổ chức bộ máy các cơ quan khối nội chính được củng cố, kiện toàn. Chất lượng hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên; án sai, cải sửa giảm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp xúc, đối thoại của bí thư cấp ủy với nhân dân đã giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhất định.

      4. Công tác xây dựng chính quyền đạt kết quả quan trọng, hoạt động của chính quyền các cấp có hiệu lực, hiệu quả hơn

      Tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều cải tiến. Hội đồng nhân dân các cấp kịp thời thể chế hoá chủ trương của Trung ương, của cấp ủy cùng cấp; đổi mới các khâu tiếp xúc, phản ánh kiến nghị của cử tri, thảo luận, chất vấn, giám sát kết quả thực hiện của các cơ quan công quyền và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

      Bộ máy chính quyền được kiện toàn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và thực hiện phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho các sở, ngành, địa phương cơ bản phù hợp, giảm thiểu sự chồng chéo. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cho tổ chức, công dân trên một số lĩnh vực tiến bộ hơn trước.

      Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp được nâng lên; cải cách hành chính đạt được một số kết quả rõ nét trên các lĩnh vực liên quan đến dân sinh và đơn giản hoá thủ tục hành chính. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được chấn chỉnh; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", "một cửa hiện đại" gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin[33] tạo được nhiều thuận lợi cho tổ chức và công dân trong quan hệ hành chính, cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

      5. Công tác dân vận, hoạt động của mặt trận, hội, đoàn thể tiếp tục đổi mới và có sự chuyển biến tích cực

      Công tác dân vận đã tập trung hướng về cơ sở, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh từ thực tiễn cuộc sống; kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về: công tác dân vận, hoạt động của mặt trận và các hội, đoàn thể; công tác dân tộc, tôn giáo gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương; ban hành các quy chế hoạt động, phối hợp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền. Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.

      Hoạt động của mặt trận và các hội, đoàn thể các cấp bám sát chủ trương của Trung ương và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, hướng vào việc chăm lo đời sống cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa; tham gia hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở; tham gia giám sát, phản biện xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền. Xây dựng và phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo và các tầng lớp nhân dân.

      6. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng

      6.1. Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường; thực hiện có kết quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

      Các cấp ủy đảng tập trung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quán triệt kịp thời nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động; phương pháp quán triệt, tuyên truyền có đổi mới, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng.

      Chú trọng hướng dẫn, định hướng công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm phản ánh toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

      Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo tuyên truyền, định hướng để cán bộ, đảng viên, nhân dân bình tĩnh, thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật, không gây mất trật tự xã hội và bất ổn định về môi trường đầu tư; chỉ đạo động viên, hỗ trợ kịp thời để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

      Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức học nghiêm túc các chuyên đề hàng năm; hầu hết chi, đảng bộ cơ sở và cán bộ, đảng viên xây dựng chuẩn mực đạo đức, thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương; xây dựng được một số mô hình làm theo có hiệu quả. Tổ chức điều tra xã hội học, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVIII, Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 03, cung cấp luận cứ để tổng kết, đề ra chủ trương, biện pháp trong thời gian đến.

      6.2. Công tác tổ chức, cán bộ đạt được kết quả tương đối toàn diện; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên

      Kịp thời kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng và hệ thống chính trị. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ có chuyển biến tốt, đi vào thực chất hơn, khắc phục dần tình trạng nể nang, xuê xoa. Thực hiện công tác lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo quy định; ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ tiếp tục được đổi mới, mở rộng dân chủ, công khai, đúng quy trình[34].

      Công tác cán bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy định; gắn điều động, luân chuyển với việc sắp xếp, bố trí cán bộ và chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; việc bổ nhiệm cán bộ, đã đưa ra nhiều phương án để lựa chọn. Trong nhiệm kỳ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh có nhiều thay đổi nhưng Tỉnh ủy đã kịp thời kiện toàn, bảo đảm hoạt động bình thường các cơ quan lãnh đạo của tỉnh[35]. Kịp thời củng cố, kiện toàn cấp ủy các cấp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Ban hành Đề án tăng thêm 01 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho những xã có khó khăn về cán bộ.

      Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị [36].

      Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được chú trọng. Các chi, đảng bộ cơ bản thực hiện tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, chất lượng nội dung sinh hoạt được nâng lên. Thực hiện nghiêm túc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm, bước đầu đã khắc phục tình trạng chạy theo thành tích[37]. Bồi dưỡng, tạo nguồn và kết nạp đảng viên đạt được kết quả tốt, kết nạp 9.412 đảng viên (vượt 11% chỉ tiêu Nghị quyết 18). Thực hiện tốt các chính sách cán bộ.

      6.3. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được tăng cường

      Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện đạt kết quả toàn diện. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được nâng lên. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng cơ bản thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục.

      Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương và nguyên tắc của Đảng; khắc phục các khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quản lý tài chính công, đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Trong nhiệm kỳ, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 2.432 tổ chức, 2.422 đảng viên, giám sát 1.751 tổ chức, 2.445 đảng viên[38]; thi hành kỷ luật 24 tổ chức đảng (khiển trách 17, cảnh cáo 07) và 885 đảng viên (khiển trách 469, cảnh cáo 286, cách chức 83, khai trừ 47). Qua kiểm tra, giám sát đã phát huy ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; giáo dục cán bộ, đảng viên giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

      Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể nhân dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp có chuyển biến tích cực.

      6.4. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới

      Tỉnh ủy, các cấp ủy ban hành nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội. Kịp thời ban hành và thực hiện quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch, các quy định, quy trình công tác, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

      Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá, 02 nhiệm vụ trọng tâm; quyết định những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ nguồn lực tài chính; khai thác, sử dụng tài nguyên; quy hoạch, kế hoạch và các dự án lớn... Đồng thời, chỉ đạo giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tế. Kịp thời sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy.

      6.5. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đạt một số kết quả bước đầu

      Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI; tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, chỉ rõ khuyết điểm, đề ra phương hướng, giải pháp, lộ trình khắc phục khuyết điểm, yếu kém. Một số khuyết điểm, yếu kém đã được khắc phục có hiệu quả như: đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chất lượng chuẩn bị nội dung các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy; đổi mới các khâu trong quy trình công tác cán bộ; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; kỷ luật Đảng, kỷ luật, kỷ cương hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài. Một số biện pháp mới được thực hiện như: chất vấn trong Đảng; bí thư cấp ủy trực tiếp đối thoại với nhân dân; thủ trưởng các sở, ban, ngành đối thoại với nhân dân; kê khai, công khai tài sản và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.  

      II. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM

      1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) chỉ đạt 7,2%/14-15%/năm; GRDP bình quân đầu người cao nhưng thực tế thu nhập của đa số nhân dân thấp. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 40,6% chỉ tiêu Nghị quyết (65.000 tỷ/160.000 tỷ đồng). Phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ; một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, dừng hoạt động.

      Giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết (4,6/17-18%). Công nghiệp chế biến, phụ trợ và hóa dầu chưa phát triển; một số dự án thực hiện chậm, kéo dài gây lãng phí đất đai, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

      Giá trị sản xuất dịch vụ chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết (12,8/15-16%). Dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa nhiều, thiếu các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho phát triển công nghiệp. Du lịch, dịch vụ chưa được quan tâm đầu tư; đóng góp chưa nhiều cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

      Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp chậm; xây dựng nông thôn mới đạt thấp; công tác “Dồn điền, đổi thửa”, “xây dựng cánh đồng mẫu lớn” gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt chưa phát triển, chăn nuôi quy mô nhỏ; chưa tạo được hệ thống liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng còn xảy ra ở một số nơi.

      Quản lý nhà nước về đô thị vẫn còn nhiều bất cập; một số quy hoạch đô thị chất lượng chưa cao; tỷ lệ đô thị hóa và nhiều mục tiêu phát triển đô thị không đạt chỉ tiêu Nghị quyết (17,11%/20%); tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản chưa kịp thời.

      Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ; có công trình trọng điểm chậm tiến độ; một số công trình chất lượng thấp, chưa phát huy hiệu quả, nhất là công trình đập thủy lợi, nước sạch; điều kiện ăn, ở của công nhân trong các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Dung Quất còn nhiều khó khăn.

      Thu hút đầu tư giảm; nhiều dự án sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai chậm; vốn ngân sách nhà nước đầu tư vẫn còn dàn trải.

      Quản lý tài nguyên, môi trường có một số trường hợp chưa chặt chẽ, nhất là còn buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn về tác động môi trường. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, bồi lấp cửa biển còn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân nhưng việc khắc phục gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất lâm nghiệp còn bất cập, tranh chấp đất lâm nghiệp có xu hướng gia tăng.

      2. Thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển nguồn nhân lực trên một số mặt chưa hiệu quả; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm. Số lượng người được đào tạo nghề nhiều nhưng có việc làm còn ít; ngành nghề và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thị trường lao động chưa phát triển.

      Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo còn một số mặt bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học nhiều nơi còn thiếu và lạc hậu. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Trong giáo dục và đào tạo, còn nặng về lý thuyết; định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn nhiều hạn chế; khó khăn trong phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

      Đóng góp của một số đề tài nghiên cứu khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định chủ trương, chính sách chưa nhiều. Nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ còn ít; cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu thốn. Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực khoa học, công nghệ còn hạn chế.

      Hạ tầng cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet ở nông thôn, miền núi, hải đảo chậm được nâng cấp, mở rộng; chưa gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông với nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để từng bước hình thành kinh tế tri thức. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành mới phát triển theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu.

      Mô hình tổ chức và quản lý ngành y tế còn bất cập; xã hội hoá y tế chưa tương xứng so với nhu cầu và tiềm năng của xã hội. Cơ sở vật chất còn thiếu, một số thiết bị lạc hậu; các dịch vụ khám, chữa bệnh kỹ thuật cao chậm phát triển. Chưa khắc phục được tình trạng quá tải ở Bệnh viện tỉnh; thái độ và kỹ năng giao tiếp, phục vụ bệnh nhân có chuyển biến nhưng nhân dân vẫn chưa thật sự hài lòng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở các huyện miền núi, hải đảo còn cao (trên 20%). Nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ vẫn còn thiếu so với nhu cầu.

      Quản lý nhà nước về văn hóa, thể dục thể thao ở một số lĩnh vực chưa toàn diện; hệ thống thiết chế văn hoá, thể dục thể thao còn thiếu; nguồn lực đầu tư còn hạn chế[39]. Đời sống văn hoá, tinh thần một số nơi còn nghèo nàn, khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa so với đô thị chậm được rút ngắn; nội dung hoạt động, chất lượng và hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá chưa cao. Quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa chưa hiệu quả, chưa gắn kết với phát triển du lịch. Các môn thể thao được người dân quan tâm như: bóng đá, bóng chuyền, các môn thể thao có thế mạnh chưa phát huy đúng mức.

      Giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hộ tái nghèo ở miền núi còn khá cao; chính sách giảm nghèo có mặt hạn chế là tạo sự ỷ lại, nhiều người dân không muốn thoát nghèo. Quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo ở miền núi một số khâu còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

      3. Công tác quốc phòng, an ninh, công tác nội chính, đối ngoại còn một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ, nội dung xây dựng khu vực phòng thủ chưa toàn diện; một số dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa gắn kết chặt chẽ với quốc phòng, an ninh.

      Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân có nơi thiếu vững chắc. Công tác nắm tình hình trong nhân dân ở một số nơi chưa sát; còn để xảy ra và lúng túng trong xử lý, giải quyết một số vụ việc. Tai nạn giao thông được kiềm chế nhưng còn ở mức cao, một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng.

      Biện pháp phòng ngừa trong công tác phòng, chống tham nhũng còn mang tính hình thức; tệ tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Hoạt động và sự phối hợp của các cơ quan tư pháp có lúc, có vụ việc thiếu thống nhất.

      Tình trạng một số ngư dân sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản, xâm phạm lãnh hải các nước, đánh bắt động vật quý hiếm chưa được ngăn chặn.

      4. Công tác xây dựng chính quyền còn một số mặt chuyển biến chậm; hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân ở một số nơi chất lượng thấp; chậm giải quyết kiến nghị sau giám sát. Cải cách thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc trên một số lĩnh vực còn chậm, còn nhiều thủ tục gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trên một số mặt thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

      5. Công tác dân vận, hoạt động của mặt trận, đoàn thể ở cơ sở, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, có nơi còn hình thức. Công tác phản biện xã hội về chủ trương, chính sách và tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong đời sống còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác vận động quần chúng còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ.

      6. Trong công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng có lúc chưa theo kịp tình hình; đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch có lúc, có nơi thiếu kịp thời. Nắm bắt tình hình, thông tin, dư luận xã hội chưa theo kịp diễn biến, nhất là những vấn đề bức xúc trong nhân dân.

      Đánh giá cán bộ ở một số nơi chưa thực chất. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn hạn chế. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi chưa đủ sức giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh. Chi bộ ở nông thôn chủ yếu là các đồng chí cán bộ hưu, đảng viên lớn tuổi; phát triển đảng viên là công nhân, nông dân, chủ doanh nghiệp, người dân tộc thiểu số, người có đạo còn ít. Một số cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ; nội dung sinh hoạt chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Số lượng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn ít. Trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, việc theo dõi quan hệ chính trị hiện nay còn bị động.

      Công tác kiểm tra, giám sát chưa chú trọng phát hiện và phát huy những nhân tố tích cực; một số cuộc kiểm tra, giám sát chất lượng không cao. Việc nắm bắt tình hình và dư luận xã hội chưa bao quát, toàn diện để kịp thời quyết định kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu nhằm làm rõ trách nhiệm trong quản lý dự án, tài chính, mua bán, chuyển nhượng tài sản của Nhà nước....

      Một số chủ trương của Tỉnh ủy đề ra chưa sát với thực tế nguồn lực. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có việc chưa sâu sát. Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng còn chậm.

      Một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, xa dân; năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

      III. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT

      Năm năm qua, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô tổng sản phẩm tăng lên đáng kể. Các ngành, thành phần, vùng kinh tế đều phát triển. Khu Kinh tế Dung Quất là động lực to lớn, trực tiếp thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực. Các vấn đề xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững; chính trị - xã hội ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; các tổ chức trong hệ thống chính trị được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả hơn; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố.

      Đó là thành quả quan trọng từ sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ và nhân dân, sự kế thừa và phát huy thành tựu của tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ sâu sát, thiết thực, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

      Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khuyết điểm, yếu kém. Một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt; tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, dịch vụ đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết 18; chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; đô thị phát triển chậm; nguồn nhân lực còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống nhân dân nhiều vùng còn khó khăn. Ô nhiễm môi trường gia tăng; văn hoá - xã hội phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn còn những yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các hội, đoàn thể còn một số yếu kém chậm được khắc phục.

      Những khuyết điểm, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh tác động bất lợi; nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 18 đề ra quá cao so với khả năng huy động nguồn lực, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan đó là: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh còn một số hạn chế. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa tốt; một số cơ chế, chính sách của tỉnh chưa tạo được sức hút mới; quy trình, thủ tục hành chính còn phức tạp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực không đáp ứng yêu cầu, thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại đổi mới.

      Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm kỳ qua, tiếp tục rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

      (1) Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

      (2) Bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh, của đất nước, tăng cường phân tích, dự báo để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước; bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển. Kiên trì, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đồng thời quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy trong huy động và sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

      (3) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm. Đối với những vấn đề khi còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có phương thức thực hiện dân chủ rộng rãi nhằm quy tụ chính kiến và quyết tâm thực hiện. Trong chỉ đạo thực hiện, phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm giấy tờ hành chính, hội họp, tăng chỉ đạo trực tiếp.

      (4) Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tạo đồng thuận xã hội.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ

GIẢI PHÁP TRONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

      Năm năm đến, với quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiên tai, dịch bệnh khó lường, tranh chấp Biển Đông còn diễn biến phức tạp và những yếu kém đã chỉ ra trong nhiệm kỳ qua là khó khăn, thách thức lớn của tỉnh trong quá trình phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.

      Nhưng tỉnh ta cũng có những thời cơ, thuận lợi cơ bản. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền Trung đồng bộ hơn, liên kết khu vực ngày càng chặt chẽ. Tiềm năng về kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn lớn, cùng với các dự án lớn đã, đang và sẽ triển khai thực hiện như: mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu Công nghiệp, Dịch vụ, Đô thị VSIP, nâng cấp Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các dự án phát triển thương mại, du lịch... là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh trong giai đoạn 2015 - 2020.

      I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

      1. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng bộ với phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

      2. Các chỉ tiêu

      2.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 6 - 7 %/năm (giá so sánh năm 2010).

      2.2. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người khoảng 3.600 - 4.000 USD.

      2.3. Tỷ trọng cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2020: Công nghiệp 60 - 61%; dịch vụ 28 - 29%; nông nghiệp 11 - 12%.

      2.4. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ít nhất 90.000 tỷ đồng.

      2.5. Phấn đấu thực hiện vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao hàng năm.

      2.6. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 01 tỷ USD.

      2.7. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 23%.

      2.8. Phấn đấu đến năm 2020, có 55 xã và 02 huyện đạt các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

      2.9. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 55%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 80% - 85%.

      2.10. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020: Mầm non 35%, Tiểu học 70%, THCS 75%, THPT 60%.

      2.11. Đến năm 2020, số giường bệnh/vạn dân đạt 24 giường; đạt 07 bác sĩ/vạn dân; tuổi thọ trung bình 75 tuổi; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,92%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85% dân số.

      2.12. Đến năm 2020, có 88% gia đình, 78% thôn, tổ dân phố, 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

      2.13. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm (trong đó: miền núi giảm 4%/năm; đồng bằng giảm 1,6%/năm).

      2.14. Đến năm 2020, phấn đấu 89% dân cư thành thị sử dụng nước sạch; 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 50% sử dụng nước sạch; 60% chất thải nguy hại, trên 85% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia.

      2.15. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 52%.

      2.16. Hàng năm xây dựng 90% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng, trong đó vững mạnh toàn diện đạt 60%. Hàng năm, phân loại đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự" có 80% số xã, phường, thị trấn, cơ quan, nhà trường và 70% doanh nghiệp đạt loại khá trở lên, không có loại yếu.

      2.17. Bình quân hàng năm có 50% số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và kết nạp 1.700 đảng viên.

      II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

      1. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; sản xuất gắn với thị trường; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

      1.1. Phát triển công nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ đột phá

      Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 2 - 3%/năm, nếu không tính giá trị sản phẩm Nhà máy lọc dầu thì tăng 14 - 15%/năm.

      Giá trị công nghiệp tăng thêm (giá so sánh năm 2010) đến năm 2020 khoảng 24.400 tỷ đồng, tăng bình quân 3 - 4%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 32%.

      Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp. Tích cực, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết kịp thời những công việc liên quan, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhất là khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án lớn trên địa bàn; tích cực thúc đẩy việc sớm hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng của Quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất. Đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Phổ Phong.

      Phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng sẵn có của tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới phương thức quản lý để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

      Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp hóa dầu; các ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động. Xử lý dứt điểm những dự án kéo dài, kém hiệu quả. Kiên quyết từ chối các dự án có công nghệ lạc hậu hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

      1.2. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên 06 huyện miền núi

      Tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho nông nghiệp; phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,5 - 4%/năm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác liên kết giữa hộ nông dân với các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, củng cố kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; xây dựng thương hiệu hàng nông sản. Chú trọng tổ chức sản xuất theo quy trình, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

      Tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung; đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa, hình thành những cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao; ổn định diện tích trồng lúa; phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành nông nghiệp để lai tạo giống mới; xây dựng vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, cây công nghiệp, cây rau màu có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa.

      Phát triển vùng nguyên liệu chế biến gỗ theo quy hoạch; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích trồng rừng cây gỗ quý, cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, từng bước thay thế cây keo. Tăng cường quản lý rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng; thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng.

      Triển khai thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về phát triển thủy sản; phát triển đội tàu thuyền có công suất lớn để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo; phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp với quy mô tập trung gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường sinh thái vùng ven biển; đến năm 2020, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 160.000 tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và công nghiệp chế biến thủy sản. Có giải pháp để chuyển giao cho ngư dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản.

      Ưu tiên bố trí nguồn lực, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư và xã hội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhất là ở các huyện miền núi. Đổi mới việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo ở miền núi theo hướng người nghèo tạo ra càng nhiều sản phẩm thì càng được hỗ trợ nhiều từ kinh phí nhà nước, nâng cao trình độ dân trí, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận hộ nghèo. Phát huy nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của miền núi để phát triển du lịch sinh thái; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ngăn chặn có hiệu quả các hủ tục, phòng ngừa dịch bệnh.

      1.3. Phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm

      Giá trị sản xuất ngành dịch vụ (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 12%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giá hiện hành) đến năm 2020 khoảng 70.000 tỷ đồng; tỷ lệ lao động dịch vụ trong tổng lao động của tỉnh chiếm trên 28%.

      Quy hoạch, đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch; quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; tạo cơ chế huy động nguồn lực của xã hội để trùng tu, quản lý di sản văn hóa nhằm hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Gắn phát triển du lịch của tỉnh với du lịch của vùng theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để bảo đảm sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh. Tiếp tục đầu tư, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Thiên Đàng, Bình Châu, Thiên Ấn, Lý Sơn... Tăng số lượng, chất lượng khách sạn, nhà hàng; nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ của ngành dịch vụ, du lịch. 

      Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ưu tiên phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho phát triển công nghiệp và phục vụ dân sinh như: Dịch vụ kỹ thuật công nghiệp, tài chính ngân hàng, thông tin viễn thông, vận tải, giáo dục, y tế, môi trường, nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp...

      Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển, đảo đồng bộ cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, vận tải. Nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, hạ tầng phục vụ phát triển thuỷ sản như cảng cá, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các vũng neo đậu tàu thuyền, xây dựng trung tâm cảnh báo cứu hộ thiên tai. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Thực hiện tốt những chính sách ưu đãi của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn; tiếp tục nghiên cứu đề xuất những chính sách về giáo dục, y tế, an sinh... hỗ trợ nhân dân vùng ven biển và đảo của tỉnh.

    Xây dựng Lý Sơn thành đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, là tiền tiêu bảo vệ biển đảo. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch phát triển huyện đảo. Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tăng nhanh diện tích rừng; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; tiết kiệm nguồn nước ngọt; nâng cao chất lượng các dịch vụ. Có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Triển khai thực hiện dự án khu bảo tồn thiên nhiên biển; xây dựng Cảng Bến Đình. Nghiên cứu, trình Chính phủ công nhận đảo Lý Sơn là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Có giải pháp hữu hiệu để từng bước thay đổi phong tục, tập quán chôn cất, bảo đảm môi trường sinh thái.

      1.4. Chú trọng phát triển thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp

      Có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ theo quy hoạch, xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị.

      Tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp kinh doanh thương mại với nông dân để tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước trong việc chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và quản lý về giá cả.

      1.5. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đột phá

      Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế.

      Tập trung nguồn lực đầu tư: Hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoàn thiện Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền (giai đoạn 2); Khu liên hợp thể dục thể thao; Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2), Trì Bình - Dung Quất, Tịnh Phong - Dung Quất, nâng cấp các tuyến đường từ thành phố Quảng Ngãi đến các huyện Nghĩa Hành, Minh Long, Sơn Hà; từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi; nghiên cứu đầu tư Trung tâm Hành chính tỉnh.

      Lựa chọn các hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin, xử lý môi trường ở từng đô thị để có kế hoạch ưu tiên đầu tư những công trình quan trọng, thiết yếu, phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi; chỉnh trị sông Trà Khúc gắn với phát triển đô thị hai bên bờ sông Trà; xây dựng huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh, Vạn Tường trở thành đô thị loại IV, xây dựng thị trấn Sơn Tịnh; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trung tâm cấp huyện và các đô thị mới trực thuộc huyện.

      1.6. Đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phát triển doanh nghiệp

      Hoàn thiện cơ chế quản lý và đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư theo hướng thiết thực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư hạ tầng, nhất là Công ty VSIP Quảng Ngãi nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và nước ngoài.

      Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng đô thị và những ngành có lợi thế của tỉnh, tận dụng lợi thế cảng biển nước sâu và hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất. Thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong nước; tiếp tục tăng quy mô đầu tư của các đối tác đã đầu tư vào tỉnh; tranh thủ các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, công trình về hạ tầng kỹ thuật, các dự án an sinh xã hội, hỗ trợ cho vùng còn khó khăn.

      Nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong tất cả các quan hệ giao dịch hành chính theo hướng phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, công dân, tăng niềm tin của doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

      Tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu mà thành phần kinh tế khác không đầu tư.

      1.7. Tăng cường công tác đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực

      Tăng cường quan hệ đối ngoại, chú trọng các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới; thực hiện hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

      Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; chú trọng công tác thông tin đối ngoại.

      Hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa thuận lợi, giảm thiểu thấp nhất mặt hạn chế của quá trình hội nhập để phát triển sản xuất, duy trì và mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

      Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Trung ương; tranh thủ cơ chế đặc thù điều tiết nguồn thu từ Khu Kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu; thu hút mạnh vốn FDI, vốn ODA, vốn các ngân hàng, quỹ tài chính quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đồng thời, phát triển đồng bộ các loại thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

      Công khai, minh bạch; kiểm soát chặt chẽ trong sử dụng nguồn lực tài chính công. Ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm; trong đó, lựa chọn để đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

       Khai thác hợp lý nguồn lực từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản thông qua nhiều hình thức, nhất là hình thức hợp tác công tư.

      1.8. Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

      Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm môi trường và cân bằng sinh thái. Thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản theo hướng chế biến sâu, hạn chế và tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô; khuyến khích ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

      Thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; quy hoạch sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, sản xuất tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, bệnh viện, khu dân cư. Xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm môi trường, nhất là điểm tàn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đánh giá kỹ tác động môi trường trước khi thực hiện các dự án; hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, ven bờ biển, đảo. Giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm quy trình xử lý khí thải, rác thải, nước thải để bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến để thay thế biện pháp chôn lấp nhằm tiết kiệm đất và bảo đảm vệ sinh môi trường.

      Chủ động, tích cực thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Xây dựng, thực hiện có hiệu quả các phương án phòng, tránh bão, lũ; quy hoạch xây dựng công trình công cộng phải gắn với chức năng phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, nhất là ở các vùng ven sông, ven biển, vùng dễ sạt lở. Vận động nhân dân xây dựng nhà có phòng ở kiên cố tránh được bão, lũ. Quản lý chặt chẽ việc chỉnh trị, nạo vét, thông luồng các dòng sông, cửa biển.

      1.9. Quy hoạch và quản lý thực hiện đồng bộ các quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng

      Rà soát, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015 - 2020; hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành, vùng kinh tế, kết cấu hạ tầng, đô thị.

      Quy hoạch và quản lý thực hiện đồng bộ các quy hoạch ngành với quy hoạch sử dụng đất; hoàn chỉnh hệ thống quy định bảo đảm tuân thủ trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; công khai rộng rãi các quy hoạch để tổ chức, công dân dễ dàng tiếp cận và giám sát việc thực hiện.

      Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có; đồng thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách nhằm tạo sự thông thoáng, hấp dẫn trong thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ và chế biến, nhất là chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ; chính sách bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án; chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, thể thao, du lịch, môi trường; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

      2. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội

      2.1. Phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa Quảng Ngãi; xây dựng con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế

      Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá, trước hết là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hoá phục vụ giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh Quảng Ngãi và phát triển du lịch. Nghiên cứu, hệ thống hóa bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Quảng Ngãi để gìn giữ và phát huy. Thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đầu tư xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hoá phục vụ đời sống nhân dân; đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển văn hoá.

      Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác những tác phẩm có giá trị cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

      Xây dựng con người Quảng Ngãi khẳng khái, khoan dung, thân thiện, tính hợp tác cao, năng động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

      2.2. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

      Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.

      Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo; đẩy nhanh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; giữ vững phổ cập ở cấp tiểu học và THCS, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển (nguyện vọng 1) vào các trường đại học, cao đẳng bình quân hàng năm đạt từ 30% đến 35%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt mức bình quân cả nước; hằng năm có từ 20 đến 25 học sinh giỏi cấp quốc gia. Huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó, ưu tiên cho hoàn thiện cơ sở trường học bậc mầm non.

      Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học. Tích cực phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đa dạng hoá các phương thức đào tạo.

      Chú trọng phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Đổi mới việc phân cấp, sử dụng ngân sách chi cho giáo dục giữa ngành và địa phương, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

      2.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá, trong đó chú trọng nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh

      Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn với hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.

      Thực hiện chặt chẽ công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ, sử dụng cán bộ giỏi, có trình độ cao, chuyên sâu trên một số lĩnh vực. Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, coi trọng hình thức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật. Xây dựng và thực hiện đề án thu hút và đào tạo chuyên gia giỏi ở một số ngành, lĩnh vực, kể cả đào tạo trong nước và nước ngoài.   

      Nhà nước thực hiện tốt các khâu dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh, có chính sách hỗ trợ nguồn lực tài chính để các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực; tạo lập môi trường phát triển thị trường lao động, nhất là về thông tin, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nhân; xây dựng đội ngũ doanh nhân có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, các cơ sở đào tạo nghề, các trường cao đẳng, đại học trong phân luồng học sinh và đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề theo hướng sát với yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.

      Tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trước hết, có giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Điều chỉnh, đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo hướng nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động đào tạo gắn với sử dụng lao động. Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 40.000 lao động.

      2.4. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát huy vai trò của công nghệ thông tin và báo chí

      Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ. Tăng cường quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá. Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, phục vụ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thực hiện xã hội hoá các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ.

      Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Đến năm 2020, có 80% tổ chức, công dân sử dụng các dịch vụ hành chính công do Nhà nước cung ứng qua mạng Internet. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của xã hội, tạo nền tảng cho việc hình thành xã hội điện tử. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu ứng dụng, nghiên cứu, tiếp thu, từng bước làm chủ và sáng tạo công nghệ mới. Tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích để phát triển công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Tăng cường hợp tác, liên kết để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo hướng bền vững và hội nhập. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh, thiếu niên.

      Phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ kịp thời các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

      2.5. Phát triển sự nghiệp y tế và thể dục thể thao

      Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế, thể dục thể thao; tăng cường nguồn lực của Nhà nước kết hợp đẩy mạnh xã hội hoá để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, gia tăng dịch vụ của sự nghiệp y tế, thể dục thể thao.

      Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; trách nhiệm, thái độ, kỹ năng giao tiếp, phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế các cấp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cơ bản đạt tiêu chuẩn hạng I, nghiên cứu hình thành cơ sở 2 và khắc phục tình trạng quá tải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh; thu hút nhà đầu tư xây dựng bệnh viện chất lượng cao. Nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở; tăng cường hợp tác với các bệnh viện lớn trong nước; luân phiên bác sĩ về cơ sở để chuyển giao kỹ thuật; thực hiện chính sách thu hút cán bộ y tế có trình độ cao về công tác tại tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

      Chú trọng công tác y tế dự phòng và công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ để người dân nâng cao ý thức phòng, chống các dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển mạng lưới y tế học đường; tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người nghèo và các đối tượng chính sách; củng cố, hoàn thiện cơ sở y tế quân - dân y ở đảo Lý Sơn, phát huy vai trò y, bác sĩ trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng quân. Thực hiện giảm quy mô gắn với nâng cao chất lượng dân số, từng bước kiểm soát sự mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

      Chăm lo phát triển thể dục thể thao; đầu tư các môn thể thao trọng điểm và phát triển các môn thể thao thế mạnh của địa phương, chú trọng các môn thể thao thành tích cao; từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao. Phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2020 đạt 36%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia 25%. Quan tâm giáo dục ý thức dinh dưỡng để nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ.

      2.6. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội

      Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, an sinh xã hội, tập trung các địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Huy động nguồn lực xã hội để thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa”; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế, gặp rủi ro trong cuộc sống.

      Triển khai đồng bộ chương trình giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giảm nghèo bền vững. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, đồng thời quan tâm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ, công bằng trong doanh nghiệp. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng.

      3. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; đẩy mạnh công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí

      Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

      Tập trung xây dựng và củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó với những tình huống phức tạp trên Biển Đông; tích cực hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ tàu thuyền, ngư dân khai thác thủy sản xa bờ; kiên quyết khắc phục tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước và sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản; nghiêm cấm khai thác tài nguyên biển trong danh mục cấm và động vật quý hiếm từ rừng và biển.

      Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, tổ chức quần chúng tự quản về an ninh trật tự đủ số lượng, nâng cao chất lượng, sẵn sàng chiến đấu và giành thắng lợi trong mọi tình huống. Hàng năm, thực hiện đạt 100% chỉ tiêu giao quân; huy động lực lượng dự bị động viên đạt trên 95%; xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn vững mạnh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ổn định đạt 1,5% dân số; 100% xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh tổ chức tiểu đội dân quân thường trực hoạt động có hiệu quả. Có kế hoạch chủ động huy động lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ nhân dân phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai.

      Đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, ma túy; xóa các băng, ổ, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

      Chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra khiếu kiện phức tạp; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tập trung chỉ đạo rà soát, giải quyết những vụ việc phức tạp, gay gắt, những vụ đông người, không để hình thành điểm nóng, nhất là liên quan đến đất rừng, bồi thường, tái định cư, sạt lở ven sông, ven biển, ô nhiễm môi trường...; thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

      Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính, tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp lý cho công dân; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; tập trung thanh tra công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, chú trọng thanh tra các lĩnh vực trọng tâm, nhạy cảm, dư luận xã hội bức xúc, có dấu hiệu vi phạm.

      Tăng cường chỉ đạo thực hành tiết kiệm; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền khi để địa phương, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện nghiêm quy định kê khai, công khai tài sản, thu nhập; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, các quan hệ lợi ích cục bộ; ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, không minh bạch trong đấu thầu.

      4. Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là cải cách thủ tục hành chính

      Tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; chất lượng giám sát, chất vấn, trả lời chất vấn, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, chất lượng hoạt động tại các kỳ họp hội đồng nhân dân, của thường trực, các ban và đại biểu hội đồng nhân dân. Chỉ đạo chính quyền các cấp thể chế hoá kịp thời các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, nâng cao chất lượng ban hành cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

      Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính đồng bộ trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế, thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

      Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới cho phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của địa phương; loại bỏ các thủ tục rườm rà hoặc trái quy định của pháp luật. Xây dựng và công khai hóa quy trình xử lý, giải quyết công việc hành chính để tổ chức, công dân biết, thực hiện và giám sát.

      Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tính thông suốt của hệ thống hành chính nhà nước. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch các hoạt động hành chính. Sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan trong hệ thống chính quyền, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trung tâm dịch vụ hành chính công vụ.

      Chỉ đạo xây dựng vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức công vụ tốt, tính chuyên nghiệp cao, có kỹ năng xử lý các tình huống. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân; thực hiện việc thay đổi vị trí việc làm hoặc buộc thôi việc những cán bộ, công chức trì trệ, có dư luận không tốt, liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm; thay thế những cán bộ không có năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ gắn với tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

      Cải cách tài chính công theo hướng sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuyển mạnh các hoạt động sự nghiệp có thu sang cơ chế tự chủ về tài chính, từng bước xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công.

      Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, bảo đảm phần lớn các giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công, thông tin về cơ chế, chính sách được thực hiện qua mạng.

      5. Tăng cường công tác dân vận; nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận, các đoàn thể nhân dân. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân

      Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, mặt trận và các đoàn thể, trọng tâm là kiện toàn tổ chức, công tác cán bộ và định hướng nội dung hoạt động. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận, phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; về thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.

      Cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước phải gương mẫu trong công tác vận động quần chúng, tích cực tham gia sinh hoạt và làm nòng cốt trong hoạt động ở một đoàn thể nhất định. Cấp ủy và người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của cán bộ, công nhân và nhân dân. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quy chế giám sát phản biện xã hội; Quy định về việc mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

      Mặt trận, đoàn thể các cấp thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên, nhân dân; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng; chú trọng vận động, tập hợp, động viên nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, kiều bào yêu nước…, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

      Phát huy tinh thần yêu nước, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực để xây dựng tỉnh Quảng Ngãi phát triển nhanh, bền vững.

      6. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

      Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp thiết thực để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm đã được nêu ra qua kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

      6.1. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

      Nâng cao chất lượng tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng; truyền thống của dân tộc và quê hương. Nâng cao bản lĩnh chính trị của các cấp ủy và của cán bộ, đảng viên; quán triệt, triển khai thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

      Nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng các cấp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân, giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức của tỉnh ở Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và hệ thống giáo dục trong tỉnh. Kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Ngăn chặn, đẩy lùi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Khắc phục có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

      Chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo đúng diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; kịp thời định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.

      Trên cơ sở tổng kết việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhiệm kỳ qua, đưa việc "làm theo" thành nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

      6.2. Đổi mới, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên

      Thường xuyên kiện toàn tổ chức trong hệ thống chính trị; kịp thời ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy. Rà soát về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm để tiến hành đổi mới tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; phát huy dân chủ, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

      Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng tập trung giải quyết có hiệu quả những yêu cầu đặt ra tại địa phương, đơn vị. Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, chú ý tổ chức đảng trong doanh nghiệp và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới, quan tâm các đối tượng tuổi trẻ, khu vực nông thôn, nơi ít đảng viên và người có đạo. Thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm; Quy chế giám sát trong Đảng; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

      6.3. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ

      Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

      Tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; công chức được tuyển dụng phải đạt tiêu chuẩn chức danh và ngạch, bậc cần tuyển. Đánh giá cán bộ phải lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của cán bộ, nhân dân làm thước đo chủ yếu; phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; gắn đánh giá cán bộ theo định kỳ với kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.

      Thực hiện tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ ở các cấp, các ngành, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số và cán bộ có trình độ cao. Quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của tổ chức; thực hiện quy hoạch phải bảo đảm cơ cấu các độ tuổi, giãn cách giữa các thế hệ; bảo đảm phương châm "động" và "mở". Giới thiệu cán bộ vào quy hoạch không khép kín; định kỳ tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sát sự phát triển của cán bộ.

      Thực hiện tốt việc bổ nhiệm cán bộ có số dư để lựa chọn; thực hiện chủ trương của Trung ương về thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng. Thực hiện chế độ miễn nhiệm, từ chức, thôi việc; kiên quyết thay thế những cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ.

      Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện qua thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng địa phương, tổ chức. Tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về bố trí một số chức danh cán bộ không phải là người địa phương.

      Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Thực hiện nghiêm việc đào tạo cán bộ theo quy hoạch và theo tiêu chuẩn chức danh. Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng người giỏi, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý.

      Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ; các quy định của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm và giải quyết kịp thời vấn đề chính trị hiện nay.

      6.4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

      Tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và giám sát; "giám sát phải mở rộng", "kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm". Tập trung kiểm tra, giám sát việc: Chấp hành nghị quyết, chỉ thị và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng; thực hiện các chính sách đối với người nghèo, các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ, nhất là ở các khu vực ven biển, đảo, miền núi; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; triển khai các dự án quan trọng của tỉnh; công tác cải cách hành chính; thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; trách nhiệm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc của nhân dân; hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn; công tác cán bộ; thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát huy, biểu dương các tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát hiện, xử lý nghiêm minh và công khai những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

      Thực hiện tốt sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng và cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên.

      6.5. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

      Tiếp tục cụ thể hóa nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng; không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Đề cao trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. Tăng cường chất vấn trong các kỳ họp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

      Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị theo chủ trương của Trung ương; thực hiện chủ trương của Trung ương về nhất thể hóa một số chức danh, tổ chức. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ làm công tác tham mưu, giúp việc của cấp ủy.

      Kịp thời cụ thể hóa, lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội; lãnh đạo thực hiện toàn diện các mặt công tác, các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm. Xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị, người đứng đầu; tăng cường công tác thực tế, hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

        Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới", toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh ra sức nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

 

Nơi nhận:

- Thường trực Ban Bí thư

- Văn phòng Trung ương Đảng

- Các vụ địa phương tại Đà Nẵng

- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc

- Các ban đảng Tỉnh ủy

- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn

- Các đồng chí Tỉnh uỷ viên

- Các đ/c đại biểu dự Đại hội

- C, PCVP Tỉnh ủy

- Phòng Tổng hợp, Kinh tế

- Lưu Văn phòng Tỉnh uỷ

T/M TỈNH ỦY

BÍ THƯ

 

 

 

 

 

Lê Viết Chữ

 

 

 

 


[1] Trong đó dịch vụ tăng 12,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,3%, nông nghiệp tăng 3,7%.

[2] Tính theo giá thực tế đạt 66.578 tỷ đồng, tăng 37.303 tỷ đồng. 

[3] Chỉ tiêu Nghị quyết 18: 2.100 - 2.200 USD.

[4] Giai đoạn 2011- 2015, phân bổ nguồn lực từ NSNN thực hiện đầu tư phát triển công nghiệp là 2.272/11.805 tỷ đồng.

[5] Thu hút nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực: sản xuất linh kiện điện tử, giày da, may mặc, bánh kẹo, nước giải khát...

[6] Năm 2015: Diện tích lúa 73.529 ha, năng suất 57,3 tạ/ha; mía 5.250 ha, năng suất 571 tạ/ha; mì 20.500 ha, năng suất 185,5 tạ/ha. Năm 2010: Diện tích lúa 72.661 ha, năng suất 52,5 tạ/ha; mía 5.802 ha, năng suất 469,1 tạ/ha; mì 19.288 ha, năng suất 172,5 tạ/ha

[7] Giai đoạn 2011- 2015, phân bổ nguồn lực từ NSNN thực hiện đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là 2.327/11.805 tỷ đồng, trong đó Chương trình nông thôn mới là 859 tỷ đồng.

[8] Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2015 đạt 38.050 tỷ đồng.

[9] Đến nay, toàn tỉnh có 161 chợ, gồm 02 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, 128 chợ hạng III, 21 chợ chưa đủ điều kiện xếp hạng và 07 siêu thị (02 siêu thị hạng I và 05 siêu thị hạng III).

[10] Lũy kế đến năm 2015, có 38 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 4.491 triệu USD, vốn thực hiện 606,5 triệu USD.

[11] Trong 5 năm, vận động được 192 dự án, với tổng vốn khoảng 313 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục....

[12] Riêng Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 38.817 tỷ đồng.

[13] Luỹ kế 5 năm là 2.398 triệu USD.

[14] Trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý 14.288 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp nhà nước 8.314 tỷ đồng, vốn dân cư và doanh nghiệp tư nhân 26.747 tỷ đồng, vốn FDI 5.395 tỷ đồng, vốn bộ, ngành Trung ương 9.935 tỷ đồng.

[15] Trong đó, thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất 93.893 tỷ đồng.

[16] Hoàn thành 150 công trình nước sạch quy mô nhỏ. Đưa 03 dự án bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất với quy mô 350 giường, 5 bệnh viện huyện, 40 trạm y tế xã đi vào hoạt động; xây dựng Bệnh viện Sản Nhi. Hoàn thành trên 80 công trình giáo dục với trên 500 phòng học mới, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 dự án Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Một số dự án quan trọng đang tiếp tục triển khai như đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 1), đường bờ Nam sông Trà Khúc; các dự án đầu tư thuộc hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất; dự án Bệnh viện Sản Nhi; các dự án phục vụ di dời và xây dựng trung tâm hành chính mới huyện Sơn Tịnh, dự án tiêu úng, thoát lũ sông Thoa....

[17] Có 221 dự án chuyển tiếp, khởi công mới 393 dự án (trong đó, có 94 dự án giao thông).

[18] Năm 2011 - 2015: Nhựa hoá, cứng hoá gần 400km đường giao thông (đường tỉnh 70km; đường huyện, xã, thôn, khối phố 330km).

[19] Kênh chính, kênh cấp I và cấp II là 112,4 km, kinh phí 280,8 tỷ; kênh mương loại III là 283,4 km, kinh phí 482,2 tỷ đồng. Đầu tư mới 102 công trình thủy lợi (07 hồ chứa; 63 đập dâng, điều tiết; 09 trạm bơm; 22 đê, kè chống sạt lở; 01 công trình ngăn mặn), kinh phí hơn 1.108 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa 133 công trình thủy lợi (25 hồ chứa; 77 đập dâng, điều tiết; 10 trạm bơm; 18 đê, kè chống sạt lở; 03 công trình ngăn mặn), kinh phí hơn 1.039 tỷ đồng.

[20] Hoàn thành quy hoạch chung mở rộng thành phố Quảng Ngãi, đô thị Vạn Tường, các đô thị trung tâm cấp huyện.... 

[21] Trong đó, nguồn lực từ NSNN thực hiện đầu tư phát triển đô thị là 2.386/11.805 tỷ đồng.

[22] Năm 2015, tỷ trọng công nghiệp chiếm 31,37%, dịch vụ 20,21%, nông nghiệp chiếm 48,41%. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển quan trọng; giá trị sản xuất toàn ngành năm 2015 đạt 625,842 tỷ đồng, gấp 1,49 lần năm 2011; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 8,13%/năm; sản lượng lương thực bình quân đạt 368kg/người; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2015 đạt 800,73 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân đạt 22,06%, vượt chỉ tiêu (19%). Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ năm 2015 đạt 499,887 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân đạt 21,02%, vượt chỉ tiêu (19%/năm).

[23] 60/67 xã có đường ô tô đến trung tâm thông suốt cả năm, 7 xã có đường ô tô nhưng còn khó khăn đi lại trong mùa mưa; 94,83% hộ dân có điện chiếu sáng; 100% xã có trạm y tế; hạ tầng giáo dục có nhiều cải thiện.

[24] Tỷ lệ phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 91%; số trường chuẩn quốc gia bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT lần lượt là 4/32 (12,5%), 12/134 (8,9%); 7/92 (7,6%); 1/16 (6,25%), chưa đạt chỉ tiêu (lần lượt là 16,4%; 19,4%, THCS và THPT là 30%).

[25] Cấp 1.149.962/1.189.183 giấy, đạt 96,7%, với tổng diện tích 361.254,22/379.133 ha, đạt 95,3% diện tích cần cấp.

[26] Từ năm 2011 đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 35.102 công chức, viên chức (đào tạo trong nước 34.876 lượt người, nước ngoài 226 lượt người); cử đi đào tạo tiến sĩ 23 người, đào tạo thạc sĩ 395 người, thu hút được 23 thạc sĩ các chuyên ngành, 101 bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh, vượt chỉ tiêu về đào tạo, thu hút tiến sĩ, thạc sĩ theo Nghị quyết 05.

[27] Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 15% (năm 2010 là 19,2%).

[28] Mầm non: 99,5%, Tiểu học, THCS, THPT: 99,9%.

[29] Đến nay, có 24,6% trường mầm non, 65% trường tiểu học, 63,9% trường THCS, 46,2% trường THPT đạt chuẩn quốc gia

[30] Toàn tỉnh có 624/1.116 thôn, tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng và 36/184 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa.

[31] Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Điện Trường Bà, văn hoá biển đảo và các dân tộc thiểu số...; Kỷ niệm 150 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, 70 năm khởi nghĩa Ba Tơ, 40 năm giải phóng Quảng Ngãi, Tuần lễ Văn hóa biển đảo; 5 xã và thị trấn Ba Tơ được công nhận là vùng An toàn khu…

[32] Trong đó, NSNN chi đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội là 2.100 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh (giáo dục và đào tạo 902,343 tỷ (8,64%); y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm 506,970 tỷ (4,85%); văn hóa, thể thao và du lịch 154,129 tỷ (1,48%); PTTH 69,91 tỷ (0,67%); khoa học và công nghệ 83,450 tỷ (0,8%); xã hội khác 383,497 tỷ (3,67%).

[33] Các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và 14 UBND huyện, thành phố đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; 60% UBND xã, phường, thị trấn có internet; 70% UBND cấp huyện, 50% các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh triển khai một cửa điện tử, một cửa liên thông.

 

[34] Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt (đợt 1) tại Quyết định số 4252-QĐ/BTCTW ngày 19/8/2013: quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh 104 đồng chí; BTV Tỉnh ủy 23 đồng chí; Bí thư Tỉnh ủy 03 đồng chí, Phó Bí thư Tỉnh ủy 07 đồng chí, Chủ tịch HĐND tỉnh 03 đồng chí và Chủ tịch UBND tỉnh 03 đồng chí. Quy hoạch Tỉnh ủy bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, có triển vọng phát triển. Số lượng quy hoạch cấp ủy các cấp đạt hệ số từ 1,5 đến 2 lần.

[35] Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, bầu bổ sung 02 phó Bí thư Tỉnh ủy và giới thiệu nhân sự bầu Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; bổ sung 06 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 12 Tỉnh ủy viên; phân công nhiệm vụ Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bầu Chủ nhiệm, phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

[36] Năm 2014, toàn tỉnh có 2.805 công chức, 26.582 viên chức (Riêng khối hành chính - sự nghiệp của tỉnh, có 25.623 người, trong đó công chức 2.399 và viên chức 23.224). Trình độ chuyên môn: 01 phó giáo sư, 26 tiến sĩ (chiếm 0,1%, hầu hết ở ngành giáo dục và y tế), 15 chuyên khoa II (chiếm 0,06%), 584 thạc sĩ (chiếm 2,28%), 225 chuyên khoa I (chiếm 0,87%), 12.375 đại học (chiếm 48,29%), 5.600 cao đẳng (chiếm 21,85%), 6.123 trung cấp (chiếm 23,89%), 675 sơ cấp và chưa qua đào tạo (chiếm 2,66%). Trình độ lý luận chính trị: có 85 cử nhân (chiếm 0,33%), 803 cao cấp (chiếm 3,13%), 1.095 trung cấp (chiếm 4,27%), sơ cấp 7.400 (chiếm 28,9%). Có 3.810 cán bộ, công chức cấp xã. Trình độ văn hóa: tiểu học 28 người, chiếm 0,73%; THCS 281 người, chiếm 7,38%; THPT 3.501 người, chiếm 91,89%. Trình độ chuyên môn: chưa qua đào tạo 576 người, chiếm 15,12%; sơ cấp 63 người, chiếm 1,65%; trung cấp 1.769 người, chiếm 46,43%; cao đẳng 120 người, chiếm 3,15%; đại học 1.276 người, chiếm 33,49%; sau đại học 06 người, chiếm 0,16%. Trình độ lý luận chính trị: chưa qua đào tạo 1.295 người, chiếm 33,99%; sơ cấp 657 người, chiếm 17,24%; trung cấp 1781 người, chiếm 46,75%; cử nhân, cao cấp 77 người, chiếm 2,02%.

[37] Năm 2014, có 893/893 TCCSĐ được đánh giá chất lượng; trong đó, có 625 (chiếm 70%) TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh; 41.303/45.510 đảng viên được đánh giá, phân loại, trong đó có 4.040/41.303 (chiếm 12,95%) đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 31.207 (chiếm 75,56%) đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 224 (chiếm 0,54%) đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.

[38] Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra trực tiếp 37 tổ chức, 47 đảng viên, giám sát trực tiếp 23 tổ chức, 30 đảng viên.

[39] Trong 5 năm, chi cho đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội còn thấp, chỉ đạt 2.100 tỷ đồng, chiếm 20,1%.